'Công cụ' hữu hiệu của BHXH Việt Nam

(PLO) - Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định cơ quan bảo hiểm xã hội có chức năng thanh tra chuyên ngành. Đây được coi là “công cụ” hữu hiệu giúp ngành bảo hiểm xã hội  thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn thông tin về vấn đề này.

Theo quy định của Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014, cơ quan BHXH được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ này, BHXH Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông? 

- Theo Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, ngành BHXH được trao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT. Ngay khi Luật được ban hành, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của cơ quan BHXH. Trên cơ sở Nghị định 21/2016, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 1518/QĐ-BHXH ngày 18/10/2016 quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT và hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam; ban hành Quyết định số 102/QĐ-BHXH ngày 12/01/2017 quy định cấp, quản lý, sử dụng thẻ và trang phục của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Về công tác đào tạo cán bộ, Vụ Thanh tra - Kiểm tra và Trường Đào tạo Nghiệp vụ BHXH đã phối hợp với Trường Cán bộ thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho trên 1.000 viên chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, thu và quản lý nợ. Đặc biệt, để kịp thời chỉ đạo hoạt động thanh tra chuyên ngành, trong năm 2016, BHXH Việt Nam và Thanh tra Chính phủ đã mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên cho 70 công chức, lãnh đạo quản lý ở BHXH Việt Nam và Giám đốc, Phó Giám đốc BHXH các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.  Dự kiến trong quý I, II/2017 tiếp tục mở 3 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho 370 đối tượng là công chức, trưởng đoàn thanh tra và cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. 

Đến nay, về cơ bản gần 100% cán bộ thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam đã được đào tạo, bồi dưỡng (có chứng chỉ) nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành do Trường Cán bộ thanh tra cấp, đủ điều kiện thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Công tác thanh tra BHXH chính thức được ngành thực hiện khi nào? Ông có thể cho biết những kết quả bước đầu đạt được của Thanh tra BHXH trong năm vừa qua? 

- Ngay khi Nghị định số 21/2016 có hiệu lực thi hành (từ 1/6/2016), BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện chức năng thanh tra. BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành 6 cuộc, trong đó phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, Thanh tra Chính phủ triển khai thí điểm hai đợt thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Qua công tác thanh tra, đã phát hiện hàng nghìn lao động chưa tham gia BHXH, đóng BHXH thiếu mức đóng, thiếu thời gian; yêu cầu truy thu hàng tỷ đồng do đóng thiếu so với quy định. Chỉ riêng 2 đợt thanh tra chuyên ngành thí điểm, sau thanh tra đã có 7/15 đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp đã nộp về cơ quan BHXH 18,5 tỷ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Tại các địa phương, cơ quan BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành tại 1.135 đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm và đề nghị truy thu, thu hồi với tổng số tiền 69,6 tỷ đồng; phát hiện 34.527 lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc; 1.425 lao động truy đóng không đúng quy định.

Thanh kiểm tra nhằm chống thất thoát quỹ bảo hiểm đồng thời đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm
Thanh kiểm tra nhằm chống thất thoát quỹ bảo hiểm đồng thời đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm

Trong quá trình thực hiện chức năng thanh tra, cơ quan BHXH gặp những khó khăn vướng mắc gì? BHXH Việt Nam đã khắc phục như thế nào?

- Nghị định số 21/2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2016 song một số địa phương vẫn chưa mạnh dạn triển khai bởi chức năng thanh tra chuyên ngành là nhiệm vụ hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với các cơ quan liên quan về quản lý doanh nghiệp, lao động như Kế hoạch- Đầu tư, Thuế, LĐ-TB&XH tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành với các ngành chức năng còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đa số các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành mới dừng ở việc phát hiện sai phạm, yêu cầu đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật chứ chưa mạnh dạn xử lý vi phạm hành chính.

Theo quy định của Luật Thanh tra, trang phục (cầu vai, cấp hiệu) và thẻ thanh tra chuyên ngành chỉ cấp cho đội ngũ công chức; trong khi đó lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành của hệ thống BHXH Việt Nam chủ yếu là viên chức nên ngành BHXH gặp khó khăn không ít trong quá trình tổ chức thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan để tháo gỡ. Trên cơ sở đó ngày 12/1/2017 Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định quy định cấp, quản lý, sử dụng thẻ và trang phục của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Theo ông, bên cạnh chức năng thanh tra, có nên trao lại quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho cơ quan BHXH, song song với tổ chức công đoàn?

- Hiện tại, việc giao tổ chức công đoàn khởi kiện các doanh nghiệp theo quy định của Luật BHXH năm 2014 cũng gặp một số bất cập.

Thứ nhất, mặc dù Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã quán triệt trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc hỗ trợ các tổ chức công đoàn hồ sơ, tài liệu, số liệu phục vụ cho việc khởi kiện, song để thực hiện khởi kiện là quá trình chuẩn bị hồ sơ, tài liệu từ các văn bản đôn đốc thu nợ đến hồ sơ thanh tra, kiểm tra, kết luận xử lý của cơ quan BHXH và các cơ quan thanh tra quản lý nhà nước khác...; cũng như phải nắm rõ tình hình, năng lực hoạt động của doanh nghiệp, quá trình nợ đọng, để phục vụ tốt cho quá trình tranh tụng phải là cơ quan BHXH.

Thứ hai, quỹ BHXH không chỉ là phần thu từ NLĐ mà có một phần không nhỏ từ ngân sách Nhà nước đóng góp để đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc để lại lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp mà chủ sử dụng lao động có trách nhiệm nộp vào quỹ BHXH. Vì vậy, ngoài việc để tổ chức công đoàn khởi kiện, BHXH Việt Nam cũng kiến nghị các cấp, cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ quan BHXH (với tư cách đại diện Nhà nước quản lý sử dụng quỹ BHXH) cũng có quyền khởi kiện đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa, nhằm đảm bảo quyền lợi không chỉ cho NLĐ mà còn cho lợi ích của cả xã hội...

Bên cạnh thực hiện tốt chức năng thanh tra, ngành BHXH còn có giải pháp gì để hạn chế tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, thưa ông?

- Để hạn chế vi phạm pháp luật về BHXH nói chung và hạn chế việc nợ đọng BHXH nói riêng, ngoài việc thực hiện tốt chức năng thanh tra chuyên ngành, ngành BHXH sẽ thực hiện một số giải pháp.

Một là, tăng cường phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc quản lý, đôn đốc thực hiện chính sách BHXH của các doanh nghiệp; thực hiện đôn đốc, thu nợ thường xuyên và thực hiện nghiêm việc tính lãi chậm đóng theo đúng quy định. Phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn các cấp để kiên quyết thực hiện khởi kiện ra toà đối với những đơn vị sử dụng lao động cố tình nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp; xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH; theo dõi chặt chẽ, đôn đốc, kiểm tra và tham mưu xử lý kịp thời sau kết luận thanh tra, kiểm tra.

Ba là, thường xuyên có sự trao đổi, thống nhất, tạo sự đồng thuận với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong việc xử lý vi phạm của các doanh nghiệp.

Ông có thể cho biết, mục tiêu của thanh tra BHXH Việt Nam trong năm 2017? Ngành có đề xuất, kiến nghị gì để công tác thanh tra đem lại hiệu quả thiết thực?

- Năm 2017, mục tiêu của thanh tra ngành BHXH là tiếp tục thực hiện hiệu quả chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam, hạn chế tối đa tình trạng nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, ngành BHXH đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan nghiên cứu, sớm trình Chính phủ ban hành quy định về xử lý tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn…

Trong quản lý chi trả các chế độ BHXH, đặc biệt là thanh quyết toán sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế thời gian qua rất nóng, không chỉ dừng ở lạm dụng mà đã có biểu hiện trục lợi. Do đó, BHXH Việt Nam sẽ đề nghị Quốc hội xem xét giao chức năng thanh tra chi, thanh tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh có ký Hợp đồng khám chữa bệnh BHYT; xem xét quy định về việc người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên để BHXH Việt Nam triển khai chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và Luật Thanh tra  năm 2010. 

Bên cạnh đó, ngành BHXH mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý để ngành có được cơ chế đặc thù cho hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành. Cùng đó là sự phối kết hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, của cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT. 

Chúng tôi kỳ vọng, trong năm 2017, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH sẽ có nhiều khởi sắc, mang lại kết quả tốt, hạn chế được tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; bảo vệ tốt quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm