Công dân cần có phương thức hòa bình để bày tỏ tình yêu Tổ Quốc

(PLO) - Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, trong đó có việc xây dựng Luật Biểu tình, đã nhận được phản ứng tích cực từ nhân dân. 
TS Võ Trí Hảo. Ảnh nguồn Internet
TS Võ Trí Hảo. Ảnh nguồn Internet
Phóng viên Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Hảo (Khoa Luật Kinh tế - Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh) về sự kiện này.
Ông đánh giá thế nào về việc Quốc hội nước ta đưa Luật Biểu tình vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và dự kiến thông qua vào năm 2015?
- Đây là một sự kiện rất đáng ghi nhớ trong lịch sử phát triển và xây dựng một Nhà nước pháp quyền tại Việt Nam, và tôi coi đó là một dấu mốc đáng ghi nhớ khi người dân có quyền được biểu đạt nguyện vọng của mình theo tinh thần luật pháp.
Tại sao đến bây giờ chúng ta mới xây dựng Luật này cho dù quyền biểu tình đã được ghi trong Hiến pháp từ lâu?
- Luật Biểu tình và Luật về hội là “hai món nợ” đối với nhân dân lâu nhất, nay Quốc hội mới “lên lịch trả nợ”. Trước đó, trong Hiến pháp đúng là đã có ghi nhận nhưng không có kế hoạch triển khai có lẽ vì sự e ngại đối với biểu tình, luôn đặt biểu tình trong mối quan hệ với “diễn biến hòa bình”. Thậm chí, tồn tại những quan niệm rất tiêu cực về biểu tình của một vị Đại biểu Quốc hội. 
Khi có Luật Biểu tình, nó sẽ mang lại điều gì mới cho quyền tự do của công dân?
- Đằng sau Luật Biểu tình là sự thay đổi nhận thức, thái độ của chính quyền với biểu tình, đó mới là điều quan trọng. Khi có Luật Biểu tình thì công dân có một phương thức hòa bình để biểu hiện tình yêu với Tổ quốc một cách tập thể, biểu thị sự ủng hộ đối với những chính sách hợp lòng dân, biểu thị sự tin tưởng đối với chính quyền trước những thông tin xuyên tạc, và cuối cùng, nếu chính quyền có sai thì có cơ sở và biết rõ quy trình để bày tỏ một cách hòa bình các bất bình đối với việc quản trị quốc gia. 
Những cuộc biểu tình tự phát ôn hòa phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có phải là một sức ép với Quốc hội khi cho xây dựng Luật Biểu tình?
- Tôi không nghĩ là sức ép mà là một sự kiện để cả người dân và chính quyền nhận thức rõ hơn về biểu tình hòa bình.
Thứ nhất, nằm trong sách lược quốc phòng toàn dân, hẳn chính quyền cũng cần nhân dân bày tỏ lòng yêu nước, phản đối một cách hòa bình việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 
Thứ hai, việc biến biểu tình thành gây rối, đập phá tài sản ở Bình Dương, Vũng Áng khiến cả người dân và chính quyền cùng có nhu cầu phân biệt rõ giữa biểu tình hòa bình và hành vi gây rối, bạo lực. Muốn có tiêu chí rõ ràng để phân loại và cơ sở pháp lý để xử lý hành vi cản trở biểu tình hợp pháp và hành vi vượt quá giới hạn biểu tình hòa bình thì cần phải có Luật Biểu tình. Nếu không có luật như hiện nay thì những người biểu tình hòa bình cũng khó lòng có lý do đuổi những kẻ gây rối trà trộn vào nhóm của mình; không chừng còn diễn ra đánh nhau giữa những người biểu tình đích thực và biểu tình giả danh hay biểu tình gây rối vì hiện nay làm gì có quy trình đăng ký danh sách những người đi biểu tình để làm căn cứ đuổi những người không đăng ký ra khỏi nhóm của mình. 
Thứ ba, qua sự kiện nhân dân toàn quốc, ở các quy mô khác nhau, đều xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước ta làm cho chúng ta hiểu rằng, dù có Luật Biểu tình hay không thì biểu tình vẫn diễn ra, chỉ có điều biểu tình không có luật điều chỉnh thì mọi việc khó kiểm soát. Tôi lấy ví dụ, khi một chiến sĩ công an phát hiện một cuộc biểu tình tự phát, họ sẽ không biết xử lý ra sao, họ phải hỏi cấp trên, cấp trên lại phải hỏi cấp trên nữa vì làm gì có luật để xử lý; cấp trên lại hỏi cấp trên nữa nên việc chỉ đạo có thể bị trễ và mỗi lần chỉ đạo mỗi khác. Nếu có luật thì họ cứ căn cứ vào luật mà xử lý. 
Đã có một số kẻ lợi dụng biểu tình ôn hòa để có hành vi gây rối, đập phá tài sản của doanh nghiệp như chúng ta đã biết vừa qua. Vậy khi có Luật Biểu tình, chúng ta có hạn chế được những hành vi này không?
- Sẽ hạn chế bớt, nhưng không loại bỏ được hoàn toàn. Điều quan trọng là sẽ rất dễ phân loại biểu tình và dễ phân hóa người biểu tình hòa bình với kẻ gây rối. 
Ông có thế nói đôi chút về Luật Biểu tình trên thế giới? 
- Tôi từng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình hòa bình trên thế giới và trực tiếp tham gia tuần hành với các phụ huynh, học sinh tại Hamburg (Đức) để đề nghị thành phố giữ lại thư viện. Lần đầu tiên từ Việt Nam sang, tôi không thể hình dung được rằng biểu tình nhiều lúc lại là những sự kiện vui vẻ cho cả cảnh sát và người tuần hành, tựa hồ như rước đèn Trung thu ở Việt Nam vậy. Sau đó, tôi đọc và tìm hiểu pháp luật về biểu tình ở Hoa Kỳ, Đức thì thấy một số điều quan trọng sau:
Thứ nhất, nguyên tắc chủ đạo của tự do biểu tình là chỉ cần đăng ký, không phải xin phép về sự biểu tình; xin - cho thì chẳng còn gì là tự do biểu tình nữa mà sẽ trở thành “ân huệ” biểu tình. 
Thứ hai, một số công trình, địa điểm quan trọng quốc gia sẽ được liệt vào không gian cấm biểu tình; người biểu tình chỉ được phép tụ tập xung quanh, ở một cự ly an toàn theo quy định của luật.
Thứ ba, để tránh ảnh hưởng quyền tự do của những người không tham gia biểu tình, việc biểu tình ngoài trời nơi có nhiều người qua lại sẽ bị hạn chế bởi thời gian, địa điểm; danh mục thời gian, địa điểm này sẽ do Hội đồng từng thành phố thông qua hàng năm giống như việc thông qua danh mục địa điểm cắm biển giao thông vậy. Việc tụ tập hòa bình trong không gian khép kín, không ảnh hưởng đến người khác thì không bị bất cứ hạn chế nào; thậm chí, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành việc tụ tập hòa bình trong không gian khép kín bị coi là hành vi vi hiến. 
Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm