“Công lý không thể ban bố xong rồi chấm dứt“

(PLO) - Đó là ý kiến của ông Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH Tp Hồ Chí Minh) góp ý sửa đổi Luật Thi hành án, theo hướng Tòa phải có trách nhiệm đến khi bản án được thi hành xong.
“Công lý không thể ban bố xong rồi chấm dứt“
- Thưa ông, theo quan điểm của ông, những bất cập nào của thực tiễn thi hành án, đặt ra yêu cầu phải sửa luật?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã phân tích các ý kiến còn phân tán tuy nhiên qua giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và dư luận cử tri, luật cần theo hướng tăng cường hơn nữa trách nhiệm của ngành thi hành án, quyền của người được thi hành án. Bởi vì khi người ta đã ra đến tòa án có những vụ án 3 năm, 5 năm thậm chí đến 7 năm mới có được phán quyết của cơ quan xét xử cao nhất của Việt Nam. Đôi khi phải kháng nghị giám đốc thẩm 5-7 lượt. Cầm bản án có hiệu lực trong tay nhưng bản án này không có giá trị trên thực tế, vài ba năm nữa, 10 năm nữa không được thi hành án từ đó dẫn đến hiện tượng người ta phải đi tìm một lực lượng khác, công ty đòi nợ thuê, xã hội đen để xử lý bằng những cách khác ngoài pháp luật, thậm chí trái pháp luật. Đó là nguyên nhân của án quá tải, tồn đọng dẫn tới phải sửa Luật Thi hành án. 
- Tình trạng án tồn đọng quá nhiều, theo ông, còn nguyên nhân nào khác?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Ngoài ra, luật đã sửa đổi  thì còn tổ chức thi hành. Do đó chúng tôi đã đề nghị tòa án khi ban hành bản án phải có trách nhiệm đến khi bản án được thi hành xong, công lý không thể ban bố xong rồi chấm dứt. Còn công lý có thực thi được hay không tòa án không quan tâm và tòa án không có quyền là không nên. Trong luật Thi hành án dân sự tôi có đề nghị như vậy.
- ĐB Tô văn Tám có phát biểu, TPHCM có ghi nhận, có 200 bản án tuyên không rõ ràng, do đó không thể thi hành được. Vậy hướng phải xử lý như thế nào, ông có nhận định gì về vấnn đề này?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Đúng, có một nguyên nhân đáng nói nữa là có những bản án tuyên không chuẩn xác và không hợp lý khiến cho việc thi hành rất khó khăn. Chúng ta nói trách nhiệm của ngành thi hành án với bản án thì cũng phải nói đến trách nhiệm của tòa án đối với bản án. Như vậy, bản thân bản án phải có tính khả thi ở mức độ cao. Đòi hỏi các thẩm phán phải điều tra, xác minh trước khi ra bản án hoặc yêu cầu luật sư bên nguyên, bên bị phải cung cấp tin tức, chứng cứ cần thiết để khi ra bản án đúng, bao hàm trong đó tính khả thi nhất định. Và khi đưa ra thi hành nó không tạo ra những mâu thuẫn không giải quyết được.
- Tình trạng án tuyên không rõ ràng có phổ biến không thưa ông?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Tôi không nắm được hết con số nhưng báo cáo giám sát của các Ủy ban (không phải giám sát trên toàn quốc), hàng năm Chính phủ có báo cáo con số chung về lượng án thi hành, trong đó một bộ phận nhỏ là án không thi hành được do bản án. Số lượng không nhiều nhưng ý nghĩa của nó rất đáng quan tâm vì đã là bản án không được để người ta chỉ ra rằng tuyên như thế không thi hành được.
- Nguyên nhân có phải do trình độ thẩm phán hay do đâu?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi có một phần nào đó do pháp luật Dân sự nên Bộ luật Dân sự của ta đang được sửa đổi. Cũng có  những có những bản án không thi hành được do nội dung trong bản tuyên án. Ví dụ trường hợp, căn nhà chỉ có một cửa, tuyên là anh A ở trên, anh B ở dưới nhà, mà không tuyên anh A đi ra cửa bằng con đường nào. Những dạng như vậy là không thể xử lý được lúc thi hành án mà phải xử lý từ lúc tuyên án. Hay tuyên là tòa án cho mảnh đất này thuộc về anh X nhưng khi anh X cầm bản án để đăng ký quyền sử dụng đất thì gặp rất nhiều khó khăn. Trong những trường hợp đó, trong bản án đó phải nghiên cứu thêm một bước và phải có yêu cầu một số cơ quan có trách nhiệm khi thi hành án. Trường hợp phán quyết miếng đất thuộc quyền sở hữu của người ta và phải yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải thi hành bản án này thì người ta mới đăng ký quyền sử dụng đất được.
- Ở đây rõ ràng là trách nhiệm của thẩm phán phải không thưa ông?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, trách nhiệm thẩm phán là một phần, luật tố tụng dân sự tới đây cũng cần phải nghiên cứu đặt vấn đề trách nhiệm của chánh án tòa án nhân dân tối cao cũng như chánh án tòa tỉnh phải có trách nhiệm đóng góp để bộ luật Tố tụng Dân sự tới đây khi xét xử bản án phải chi tiết rõ ràng trong đó hàm chữa những điều kiện khả thi đến mức tối đa mới giúp cho công tác thi hành án đạt hiệu quả.
- Thưa ông có đặt vấn đề truy lại các bản án tuyên không rõ ràng, thời hiệu kháng nghị không còn nữa, quyền của đương sự bị thiệt hại, có thể kiện lên đâu để được hưởng quyền của mình?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi đã từng làm rồi, yêu cầu tòa án giải thích cũng là một cáchnhưng cũng khó vì giải thích  không phải là sửa lại, không có điều kiện để sửa lại, không có quyền để giải thích. Theo tôi, Cơ quan thi hành án và tòa án phải có trách nhiệm hợp tác với nhau để giải quyết tối đa, tháo gỡ cho người dân khi thi hành bản án. Quan trọng vẫn là sửa luật và chấn chỉnh vì tổ chức thi hành các luật.
- Xin cám ơn ông!

Đọc thêm