Công tác bảo vệ trẻ em: Khó chuyển biến vì bị coi là “chuyện con nít”?

(PLO) - Thực trạng này được Thủ tướng Chính phủ lưu ý tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em diễn ra sáng qua (6/8), với sự tham gia của khoảng 18.000 người tại khoảng 700 điểm cầu truyền hình trực tuyến tại các huyện, xã của cả nước.
Thiếu cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, trẻ em sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Thiếu cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, trẻ em sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Thiếu người và thiếu tiền...

Điều đáng buồn nhìn nhận từ các vụ việc xâm hại trẻ em là tuổi đời của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại ngày càng nhỏ, đặc biệt có cả những trẻ em tuổi mầm non. Đối tượng xâm hại, bạo lực với trẻ em lại chính là người có trách nhiệm chăm sóc trẻ em như người cao tuổi, cha mẹ, người thân, thầy cô giáo... 

Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, bị xử lý (bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng và xâm hại tình dục trẻ em) theo quy định của Bộ luật Hình sự cho nên con số nói trên mới là ”phần nổi của tảng băng chìm”. 

Để xảy ra những vấn đề đau lòng trên, có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Và theo phân tích của Bộ LĐTB&XH cũng như của nhiều địa phương tham gia Hội nghị  trực tuyến thì một trong những nguyên nhân chính là hệ thống nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em và bảo vệ trẻ em ở các cấp, đặc biệt ở địa phương, cơ sở còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm quá nhiều việc và thường xuyên có sự thay đổi.

Thống kê cho thấy, số công chức chuyên trách công tác trẻ em thuộc Sở LĐTB&XH chỉ có 186 người (tức là bình quân chỉ 3 cán bộ/tỉnh); số người làm công tác bảo vệ trẻ em tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt là 3.434 người (chỉ chiếm tỷ lệ 13 người/100.000 trẻ em); số công chức chuyên trách hoặc được giao nhiệm vụ phụ trách công tác trẻ em của Phòng LĐTB&XH thuộc UBND cấp huyện: 580 người (còn 20% số huyện không có người làm công tác trẻ em).

Đặc biệt, Luật Trẻ em năm 2016 có quy định về người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Đến nay, dù Luật đã có hiệu lực được hơn 1 năm nhưng tại rất nhiều địa phương vẫn chưa xác định, phân công được cán bộ theo đúng tinh thần của Luật. Đến thời điểm này chỉ có 590 cán bộ thuộc 6 tỉnh/TP được phân công làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã (chiếm 5% số xã của toàn quốc). Một lực lượng quan trọng khác để bảo vệ trẻ em đó là cộng tác viên tại thôn/bản.

Nếu như giai đoạn trước năm 2007, toàn quốc có hơn 162.000 cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em, thì hiện nay, có 82.740 cộng tác viên kiêm nhiệm công tác trẻ em, tức là đã giảm gần 79.260 cộng tác viên, tương đương gần 49% so với năm 2007; thậm chí 18 tỉnh không có cộng tác viên. 

Cũng theo Bộ LĐTB&XH và nhiều địa phương, tỷ lệ chi cho công tác bảo vệ trẻ em so với tổng chi lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (gồm y tế, giáo dục, xã hội và chương trình mục tiêu liên quan đến trẻ em) chiếm tỷ lệ quá thấp (năm 2012 là 1,27%, năm 2013 là 1,08%, năm 2014: 0,87%, năm 2015 là 1,18%; năm 2016 là chỉ 0,67%) làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu về bảo vệ trẻ em.

Phần lớn các địa phương bố trí ngân sách với mức rất thấp cho công tác bảo vệ trẻ em, thậm chí có tỉnh không bố trí ngân sách như năm 2017, 33 tỉnh cấp kinh phí dưới 1 tỷ đồng (trong đó 12 tỉnh cấp kinh phí dưới 500 triệu đồng)...

Đừng coi vấn đề trẻ em là "chuyện con nít"

Trước con số hiện nay toàn quốc mới có khoảng 5% cấp xã bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý.  

Cũng theo Thủ tướng, cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn Thanh niên xã, Hội Phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản; các địa phương chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em; bố trí đủ nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em; các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với Luật Trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền... “Các mô hình này rất cần thiết. Chứ chúng ta lo họp chuyện này, chuyện khác suốt, còn trẻ em thì không nhắc tới, coi là chuyện con nít thì làm sao chuyển biến được”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp xây dựng Đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhân Ngày Vì người nghèo Việt Nam (17/10/ 2018).

Đọc thêm