Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Công tác nhân sự Đại hội XIII: Không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài

(PLVN) - Hôm nay (28/1), trong ngày làm việc chính thức thứ ba của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, theo chương trình, buổi sáng, Đại hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội. Buổi chiều, Đại hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Các đại biểu thảo luận và biểu quyết về số lượng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Sau đó, các đại biểu làm việc tại đoàn, thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đại hội nghiên cứu danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và các tài liệu hồ sơ về nhân sự. Cuối cùng, Đoàn Chủ tịch họp tiếp thu, giải trình các văn kiện trình Đại hội.

Công tác nhân sự Đại hội XIII: Không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài ảnh 1

Trước Đại hội, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Đảng cộng sản, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương chỉ ra một số nội dung và cách làm mới trong quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

Cụ thể, trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và chuẩn bị nhân sự Đại hội XII của Đảng, sau khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, gồm 6 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban Chỉ đạo.

Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phục vụ công tác nhân sự Đại hội XIII được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành từng bước, từng việc thận trọng, kỹ lưỡng và bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch hơn.

Trên cơ sở danh sách quy hoạch của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương, đã được Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Tiểu ban nhân sự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan rà soát, thẩm định kỹ lưỡng, chặt chẽ, khách quan từng nhân sự trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Số lượng cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ít hơn, chặt chẽ hơn so với khóa XII và việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cũng được đổi mới, hiệu quả hơn. Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khoảng 222 đồng chí, giảm gần 300 so với số quy hoạch khóa XII.

Trên cơ sở danh sách quy hoạch và rút kinh nghiệm của khóa trước, Bộ Chính trị tổ chức thành 05 lớp và tiến hành hai lớp song song, mỗi lớp 2,5 tháng, nên chỉ trong 7,5 tháng tổ chức xong 5 lớp, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí so với nhiệm kỳ trước (khóa XII quy hoạch 511 đồng chí, tổ chức thành 06 lớp, mỗi lớp học 4 tháng và xong lớp này đến lớp khác, nên phải mất 24 tháng mới tổ chức xong 06 lớp bồi dưỡng).

Việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, nhiệm kỳ 2021-2026 cũng được tiến hành từng bước thận trọng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ và trước hết là tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội XIII, không thể vừa quy hoạch nhân sự khóa XIII, vừa quy hoạch nhân sự cho "các nhiệm kỳ tiếp theo" như nhiệm kỳ trước.

Trong quy hoạch nhân sự Đại hội XIII thì tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trước; quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau; cuối cùng là quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, trong công tác nhân sự của Đại hội XIII rất chú trọng về chất lượng trên cơ sở bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thật sự là một tập thể đoàn kết thống nhất, trong sạch vững mạnh; có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược; tiêu biểu cho toàn Đảng về trí tuệ, tính chiến đấu, tính kỷ luật và gắn bó mật thiết với nhân dân và đảm bảo tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ cao cấp của Đảng. Tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ Đại hội XIII cũng tăng hơn so với nhiệm kỳ Đại hội XII.

Các đại biểu tại Đại hội XIII chiều 27/1/2021.
 Các đại biểu tại Đại hội XIII chiều 27/1/2021.

Cụ thể là: tỷ lệ trẻ dưới 45 tuổi trên 10% (khóa XII là 9,5%); cán bộ nữ từ 10-12% (khóa XII là 10%); cán bộ là người dân tộc thiểu số từ 10-12% (khóa XII là 8,5%). Việc chuẩn bị, giới thiệu và bầu cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thực sự dân chủ, khách quan, công tâm và đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc và của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Đồng thời, Trung ương khẳng định quyết tâm chính trị rất cao trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển, có tín nhiệm cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Hà giải thích, “trường hợp đặc biệt” là những người ngoài độ tuổi nêu trên. Với Uỷ viên Trung ương là quá 60 tuổi; còn với Bộ Chính trị, Ban Bí thư quá 65 tuổi.

Những trường hợp “đặc biệt” so với quy định chung cần tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Bộ Chính trị sẽ cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt và thông qua quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu với Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý, phù hợp trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XII, việc chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được tiến hành chặt chẽ theo quy trình 05 bước và trình tự: Chuẩn bị nhân sự tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước, nhân sự mới tham gia sau và cuối cùng là trường hợp “đặc biệt”.

Trung ương khóa mới được cơ cấu 3 độ tuổi: Dưới 50, từ 50 đến 60 và 61 tuổi trở lên để đảm bảo kế thừa. Trong đó, người tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu phải bảo đảm còn tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (tức không quá 55 tuổi). Nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.

Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được Trung ương xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, không chỉ là trách nhiệm của Tiểu ban nhân sự và Ban Chấp hành Trung ương.

Trong quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định rõ trách nhiệm của tập thể và của từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thẩm định nhân sự. Đặc biệt, Đại hội lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã quy định tiêu chuẩn của đại biểu dự Đại hội và xác định rõ trách nhiệm của đại biểu trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử tại Đại hội.

Về quy trình và cách làm nhân sự nhiệm kỳ này cũng có điểm mới, nếu nhiều nhiệm kỳ trước đây, công tác nhân sự thực hiện theo quy trình 3 bước thì lần này là 5 bước.

"Quy trình 3 bước là hai lần trình Ban Thường vụ, một lần trình Ban Chấp hành; còn trong quy trình 5 bước, hai lần trình Ban Thường vụ, hai lần trình Ban Chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt, nghĩa là các nhân sự quy hoạch vào Trung ương được rà soát, lấy phiếu kỹ lưỡng và dân chủ hơn" - ông Nguyễn Đức Hà giải thích./.

Trước đó, chiều 27/1, sau khi phiên làm việc chính thức thứ hai thảo luận về các dự thảo Văn kiện, trao đổi với báo chí, các đại biểu đều đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như những nội dung được đề cập trong dự thảo.

Công tác nhân sự Đại hội XIII: Không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài ảnh 3

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tại Đại hội XIII, ông đặc biệt quan tâm đến việc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về phát triển kinh tế biển trong văn kiện Đại hội.

"Có thể nói rằng trong suốt thời gian vừa qua kinh tế biển được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, lợi thế của kinh tế biển đối với Việt Nam vẫn chưa được khai thác một cách toàn diện, do vậy tôi nghĩ từ Đại hội XIII, kinh tế biển sẽ xác định đúng với các mục tiêu: “Phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm, bảo vệ chủ quyền biển đảo là trọng yếu và thiết thực” - ông Tuân nói.

Làm rõ hơn vấn đề, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng,  hiện nay, liên kết phát triển kinh tế biển thể hiện được mấy vấn đề.

Thứ nhất là trong quy hoạch cảng biển. Chỉ khi chúng ta tổ chức quy hoạch cảng biển thì mới có sự điều phối các nguồn hàng, tránh sự lãng phí như thời gian vừa qua. Thứ hai là liên kết để phát triển du lịch biển. Mỗi địa phương cần phải có hình thái, tổ chức khác nhau để làm sao khi khách du lịch đến với vùng Nha Trang có cảm nhận khác biệt khi đến với Vũng Tàu hay Quảng Ninh...

"Như vậy trong chiến lược phát triển kinh tế biển, các tỉnh, các khu vực cần phải có một liên kết thật sự là mạnh mẽ và tạo ra mối liên kết “hiệp đồng tác chiến” có hiệu quả thì lúc đó kinh tế biển mới đem đến hiệu quả cao nhất” - ông đề xuất.

Công tác nhân sự Đại hội XIII: Không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài ảnh 4

Còn đối với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, sau khi nghiên cứu văn kiện Đại hội XIII và liên hệ với thực tiễn tại địa phương, nhận định: Dân làm gốc, chúng ta sẽ làm được tất cả. Chẳng hạn ở tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc từ Vân Đồn đi Móng Cái với chiều dài trên 80km, số hộ dân bị ảnh hưởng là gần 1.200 hộ, diện tích chiếm đất là trên 200ha nhưng chỉ thực hiện trong vòng 15 ngày.

Đó là vì nhờ có nhân dân tin tưởng. Đó là vì niềm tin của người dân đối với Đảng, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc. Chúng tôi cho rằng, tạo niềm tin và lấy được niềm tin của dân, việc khó cũng thành công”.

Đọc thêm