Cử tri "xáo trộn tâm can" chờ Bộ trưởng giáo dục đưa chính kiến

(PLO) - Mang nỗi bức xúc “xáo trộn tâm can” của cử tri đến nghị trường, ĐBQH chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT về dự định bỏ môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, câu trả lời của Bộ trưởng chưa thể hiện chính kiến như ĐB mong muốn. 
 Bộ trưởng GD&ĐT trong phiên chất vấn
Bộ trưởng GD&ĐT trong phiên chất vấn
Trước nghị trường hôm nay (16/11), ĐB Lê Văn Lai nêu ý kiến: “Gần đây dư luận xã hội rất xôn xao hay nói đúng hơn là xáo trộn tận tâm can về một vấn đề rất nhạy cảm đó là sự thay đổi cách giảng dạy bộ môn lịch sử. Từ một môn học độc lập thành một môn học tích hợp. Xin Bộ trưởng nêu chính kiến của mình về vấn đề này, nhất là tính đúng đắn, tính ưu việt của nó". 
ĐB Lê Văn Lai đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng thắn về việc có dự định gì hoặc hoãn thực hiện chủ trương thay đổi chương trình sách giáo khoa giảng dạy môn lịch sử trong trường phổ thông theo hướng thiết thực không?. Nếu không dừng, không hoãn thì Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?. "Xin được nói thêm là sai lầm về phương pháp sẽ dẫn đến sai lệch về kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ và sẽ không có chỗ cho sự khắc phục hoặc rút kinh nghiệm.” – ĐB nói. 
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Môn lịch sử không bị coi nhẹ, mà trong chương trình mới, nó còn được coi trọng hơn chương trình hiện hành. Theo báo cáo, các cháu THPT đang học 1, 5 tiết học 1 tuần. Trong dự thảo, các cháu không học chuyên ban KHXH sẽ học bình quân 2,5 tiết/ tuần. còn các cháu học ban KHXH sẽ học 4 tiết một tuần. Và tất cả đều là bắt buộc. Như vậy, nội dung và phối hợp kiến thức về lịch sử là tăng lên.” 
Lý giải vì sao lại đưa nội dung môn học lịch sử vào môn học Công dân và tổ quốc, Bộ trưởng cho biết: Vì chủ trương tích hợp. Hơn nữa trong luật QPAN có quy định giảng dạy về lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng. “Anh em dự kiến đưa vào đó để tránh trùng lắp”, Bộ trưởng giải thích.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết thêm: “Ngoài các nội dung được giảng trong môn học Công dân và tổ quốc, ở những môn học khác chúng tôi cũng dự kiến có Lịch sử. Ví như văn học cũng gắn với lịch sử. Khi giảng về Hịch tướng sỹ, Tuyên ngôn độc lập, Bình ngô đại cáo…, nếu không gắn với lịch sử thì không rung động. Không những thế, địa lý cũng phải có lịch sử, giáo dục âm nhạc, mỹ thuật… cũng có gắn với lịch sử. Ví dụ dạy về Câu hò bên bến Hiền Lương, Xa khơi… nếu không gắn với lịch sử thì sẽ kém giá trị”.
“Nói tóm lại, những nội dung này đang trong dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, không có ý giảm, không có ý không bắt buộc học môn lịch sử. Vấn đề đang đưa ra thảo luận là để riêng hay để chung với các môn khác. Còn khối lượng kiến thức là có”, Bộ trưởng nói.
ĐB Lê Văn Lai chất vấn đề nghị Bộ trưởng đưa ra chính kiến
 ĐB Lê Văn Lai chất vấn đề nghị Bộ trưởng đưa ra chính kiến 
Sau ý kiến của Bộ trưởng, một lần nữa, ĐB Lê Văn Lai và vị chủ trì phiên chất vấn đề nghị Bộ trưởng đưa ra chính kiến của mình về việc có nên để môn Lịch sử là một môn học độc lập không, Bộ trưởng vẫn trả lời: “Ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến. Và trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có ý kiến tiếp thu, và báo cáo các cơ quan chuyên môn. Đây là việc hệ trọng. Quan điểm của chúng tôi là nếu việc tích hợp làm nhẹ, không tăng thì không tích hợp. Còn nếu tích hợp mà tăng giá trị thì sẽ tăng”.
Không đồng tình với giải trình của Bộ trưởng, ĐB Lê Văn Lai lo lắng: "Khi môn lịch sử được dạy một cách có bài bản, có hệ thống, có thầy giáo chuyên, mà vẫn có hiện tượng râu ông nọ cắm cằm bà kia… thì liệu rằng chúng ta chuyển qua kiểu mới, có nâng cao được chất lượng của môn hoc này không? Theo cá nhân tôi, thì rất khó."
Cũng trong phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT còn nhận được câu hỏi của ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên). Liên quan đến một công văn đóng dấu treo, không có người ký của Bộ Giáo dục, được chuyển đến các ĐBQH, báo cáo về kết quả kỳ thi Quốc gia, Bộ trưởng đã xin lỗi ĐB nếu có sai sót về thể thức văn bản.
Về nội dung công văn – kết luận kỳ thi Quốc gia vừa rồi đã giảm áp lực, giảm tốn kém…, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của nó. Đưa ra những phân tích, dẫn chứng, Bộ trưởng cho rằng, kỳ thi đã rất tiết kiệm, giảm áp lực, giảm gian lận. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn kế tiếp.” – Bộ trưởng khẳng định. 
ĐB Nguyễn Thái Học không đồng tình với giải trình của Bộ trưởng: “Bộ trưởng có khẳng định giảm tốn kém, giảm áp lực, với những cơ sở đưa ra, tôi cho là chưa thuyết phục. Các cháu trước kia thi tốt nghiệp ở trường, nhưng giờ phải đi xa hơn, do đó tốn kém hơn. Thi xong rồi, các cháu chờ đợi kết quả thì phải ra trường đó nộp hồ sơ vào rút hồ sơ ra, không chỉ học sinh thi, mà còn bố mẹ đưa đi thi. Báo chí cho rằng áp lực còn hơn chơi chứng khoán. Chi phí này, Bộ trưởng có tính vào chi phí kỳ thi không?. Bộ trưởng sao không hỏi người dân là áp lực không, tốn kém không? Tôi tin là nó rất áp lực, rất tốn kém. Trả lời của Bộ trưởng chưa thực sự thuyết phục, chưa yên lòng dân”.

Đọc thêm