Cuộc chiến chống ma túy ở Tà Tổng

(PLO) - Một kế hoạch phòng ngừa, phá nhổ cây thuốc phiện tại xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) – địa danh từng được mệnh danh là “cái rốn thuốc phiện” ở vùng cao Tây Bắc -  đã được các cơ quan chức năng thực hiện, nhằm đem lại sắc thái mới cho cuộc sống người dân nơi đây.
Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với chính quyền, công an huyện Mường Tè phá nhổ cây thuốc phiện tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè
Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với chính quyền, công an huyện Mường Tè phá nhổ cây thuốc phiện tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè

1. Mới chưa đầy 20 tuổi, nhưng Giàng A Dơ ở bản Cô Lô Hồ, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè đã có 3 năm liền chìm trong khói thuốc phiện. Gia đình kiệt quệ, vợ con nheo nhóc, cái đói đeo bám liên miên. Đến đầu năm 2015, được địa phương vận động nhiều lần, A Dơ mới quyết định đi cai nghiện bằng methadol. Một năm đoạn tuyệt với khói thuốc trắng nhưng anh chưa hết lo sợ bởi ở bản vẫn còn nhiều người cai nghiện không thành. Giàng A Dơ kể: “Tôi nghĩ đi nghĩ lại, giờ phải về giúp vợ con, trong xã hỗ trợ bảo tôi đi uống cái methadol này. Thấy khổ vợ con không làm ăn được gì, giờ đi uống methadol này cũng đỡ nhiều”. 

Toàn xã Tà Tổng có 321 người nghiện thì riêng bản Cô Lô Hồ có 76 đối tượng, chiếm gần 1/4 số người nghiện ở xã và có tới 78/79 hộ thuộc diện nghèo. Một nửa số người nghiện ở bản đã và đang tham gia điều trị bằng methadol với dấu hiệu tích cực. Song để vận động số người nghiện còn lại đi điều trị lại là vấn đề khó khăn nhất với địa phương… Những người đàn ông này chỉ ngoài 50 tuổi nhưng có gần nửa đời người chìm trong khói thuốc phiện. Và chính họ là những đối tượng đầu tiên gieo trồng cây thuốc phiện có mục đích.

Ông Vàng Xuân Lình, Trưởng bản Cô Lô Hồ, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè cho biết: “Lúc đầu đi đăng lý uống Methadol có 30 người. Từ đầu năm có 5 đối tượng đăng ký mới nhưng chưa thực hiện, nghĩa là năm nay chưa có ai chịu đi cai”.

2. Cả gia đình 4 thế hệ liền nhau, với rất nhiều con cháu tuổi thanh thiếu niên, thế nhưng nhà của ông Vàng Xuân Páo (bản Tà Tổng) lại không có bất cứ người nào mắc nghiện. Đây thực sự là một đại gia đình hiếm có của bản Tà Tổng. Ông Vàng Xuân Páo tự nhận mình là nói không khéo nhưng mỗi việc làm của ông lại khiến con cháu tin tưởng, bản làng bị thuyết phục. Bởi năm nào bếp nhà ông cũng đầy ngô lúa, con cháu quây quần. Ông Páo nói: “Trong dòng họ và nhân dân trong bản thì cũng tuyên truyền là ai đã nghiện phải đi cai, ai chưa nghiện thì không được tập hút. Đối tượng vận động là những thanh niên có sức khỏe”.

Vốn là một cán bộ xã, ông Páo nắm rõ tình hình tệ nạn ma túy ở địa phương có những diễn biến như thế nào. Vì thế mỗi khi muốn vận động ai, ông thường chọn cách gần gũi, giúp đỡ bà con và nói chuyện với người thân của họ. Muốn toàn dân bản tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, tố giác người, hộ gia đình và địa điểm trồng cây thuốc phiện thì trước hết mỗi người, mỗi gia đình phải trong sạch với loại tội phạm này.  

Bước vào mùa phát nương, trong khi một số hộ lén lút gieo trồng thuốc phiện thì gia đình ông Páo và con cháu lại tích cực trồng rau, trồng ngô và chăn nuôi. Theo ông Páo, Tà Tổng vẫn còn nhiều khả năng mở rộng đất sản xuất bởi diện tích đồi rừng còn nhiều, vì thế muốn có đủ lương thực, phải chịu khó, muốn tránh nghiện ngập phải kiên quyết không trồng thuốc phiện. Ông Sùng A Chữ - Bí thư Đảng ủy xã Tà Tổng - tự hào nói về gia đình ông Páo: “Gia đình ông Páo có uy tín nên đã quy tụ được anh em đoàn kết, không trồng thuốc phiện và so với trong bản, trong xã, ông là người có nhiều ruộng nương, trâu bò nhất”. 

Ở bản Cô Lô Hồ, anh Thào A Tủa cũng là người gắn bó với tổ công tác liên ngành của xã suốt 2 tháng qua. Mới trở về từ rừng, anh phải tranh thủ ghi chép ngay những con số đặc biệt, những vị trí đặc biệt. Đó là thông tin về địa hình, về dấu hiệu của diện tích đất nương rẫy có trồng, nghi ngờ trồng cây thuốc phiện mà anh quan sát được. Tất cả những thông tin này sẽ được trao đổi với tổ công tác đặc biệt đang có mặt tại địa bàn.

3. Kế hoạch 1724 của UBND tỉnh Lai Châu về thực hiện công tác phòng ngừa, phá nhổ cây thuốc phiện niên vụ 2016 - 2017 tại xã Tà Tổng đã được Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Mường Tè triển khai. Nhờ quyết liệt từ khâu tuyên truyền đến kiểm tra, giám sát, xác minh tại các khu vực nghi vấn mà trong hơn 2 tháng qua, các tổ công tác gồm các lực lượng công an, quân sự, dân quân và chính quyền địa phương đã xử lý hàng nghìn mét vuông đất nương rẫy có gieo trồng cây thuốc phiện, đồng thời huy động sự đồng tình ủng hộ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã, đặc biệt là những người có uy tín già làng, trưởng bản, trưởng họ chung tay xóa cây thuốc phiện, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Thông thường, đồng bào dân tộc trồng thuốc phiện ở những vị trí đất tốt và màu mỡ, nếu những diện tích này được trồng lương thực thì chắc chắn năng suất sẽ cao hơn. Ngay sau Tết Nguyên đán, chiến dịch phá nhổ cây thuốc phiện sẽ được tiến hành đợt 2 trên địa bàn toàn xã Tà Tổng, huyện Mường Tè. 

Chỉ tính riêng niên vụ 2015 - 2016 các cơ quan chức năng đã phát hiện và tổ chức phá nhổ được hơn 69 nghìn m2 cây thuốc phiện. Theo số liệu thống kê của Công an huyện Mường Tè trong 9 tháng đầu năm 2016, 65% lượng ma túy, 20 số vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy trên địa bàn có liên quan đến xã Tà Tổng. Đa số những đối tượng trồng, tái trồng cây thuốc phiện để sử dụng, vì thế trước hết phải tổ chức cai nghiện tại cộng đồng để giảm dần tỷ lệ người nghiện. Trong số những người đang điều trị bằng methadol ở xã Tà Tổng có nhiều người là phụ nữ. Vì nhiều lý do, có thể vì hoàn cảnh gia đình, vì cám dỗ, vì “của nhà trồng được” mà họ trở thành người nghiện. Nhưng họ đều có điểm chung là biến mình thành nô lệ của khói thuốc trắng. Xã Tà Tổng đang đứng trước thách thức rất lớn: Xóa cây thuốc phiện, xóa người nghiện và xóa đói, giảm nghèo.

Để tuyên truyền vận động đồng bào Mông ở Tà Tổng xóa bỏ cây thuốc phiện, bên cạnh việc cắt giảm số người nghiện thì phải tìm cho họ được loại cây trồng tốt, hoặc phương thức làm ăn mới. Đó cũng là nhiệm vụ của Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 4, Đoàn Kinh tế quốc phòng 356. Tuy nhiên với thói quen sản xuất cũ, việc thay đổi này đòi hỏi phải kiên trì, bộ đội phải đi trước, làm trước để vận động đồng bào.

Tháng 10/2016, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh Lai Châu đã lập 12 tổ công tác đặc biệt gồm có lực lượng công an, quân sự, dân quân và cán bộ chính quyền địa phương triển khai đồng loạt xuống địa bàn 12 bản ở xã Tà Tổng để làm công tác tuyên truyền vận động nhân dân cùng đấu tranh xóa bỏ cây thuốc phiện…

Đại tá Bùi Xuân Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: “Chúng tôi tham mưu cho tỉnh ban hành một kế hoạch cao điểm về tái trồng cây thuốc phiện ở Mường Tè. Như vậy diện tích trồng thuốc phiện năm nay giảm hẳn vì những diện tích manh nha có đã được phát hiện”.

Thuốc phiện thường trồng ở những vùng núi cao, khó phát hiện và được trồng xen kẽ với rau cải. Cùng với việc trực tiếp kiểm tra, lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ để vận động quần chúng nhân dân trong các bản cùng rà soát, xác định các địa bàn, khu vực có khả năng trồng cây thuốc phiện và xử lý nghiêm không để phát sinh ra các địa bàn khác. Việc nhân dân chủ động phối hợp, cung cấp những nguồn thông tin giá trị sẽ giúp địa phương rút ngắn hành trình thoát khỏi địa bàn ma túy, tạo những bước chuyển cơ bản tiến tới xóa đói giảm nghèo.

Đọc thêm