Cuộc chiến không tên kéo dài 16 năm

(PLO) - Ngày 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành về tiến trình triển khai Bộ Luật Hình sự 2015. Được biết Bộ luật tuy vừa được Quốc hội khóa 13 thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (với 84,01% đại biểu tán thành) và có hiệu lực từ ngày 1/7 nhưng do lỗi kỹ thuật nên có nhiều quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Ước tính có 90 lỗi kỹ thuật, trong đó có hàng chục lỗi cần sửa đổi. 

Xin nói thêm, về Điều 292 quy định xử phạt với hành vi cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông có nêu tên một số dịch vụ khiến cộng đồng khởi nghiệp lo lắng. Do chỉ còn mấy ngày nữa Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, không đủ thời gian để triệu tập họp Quốc hội tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các trưởng đoàn đại biểu quyết định sẽ gửi phiếu biểu quyết kèm tài liệu liên quan đến đại biểu.

Theo đó, Bộ luật Hình sự 2015 thay vì có hiệu lực từ 1/7 sẽ lùi đến 1/7/2017. Trên phiếu biểu quyết ghi tán thành; không tán thành; không biểu quyết để đại biểu lựa chọn. Sau khi đại biểu Quốc hội họp tại đoàn và biểu quyết, phiếu sẽ được niêm phong và tập hợp về hòm phiếu tại tòa nhà Quốc hội. Ban Kiểm phiếu đã được thành lập ngày 27/6. Kết quả biểu quyết được công bố sau ngày hôm nay (29/6). Nếu đa số đại biểu Quốc hội đồng ý hoãn thi hành Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Hình sự hiện hành sẽ có hiệu lực đến khi việc sửa đổi, bổ sung hoàn tất.

Câu chuyện “lỗi kỹ thuật” của Bộ luật Hình sự 2015 cho thấy tình trạng “tuổi thọ” của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là đang hết sức lo ngại. Có thể nói hệ thống VBQPPL của nước ta còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn, như: chất lượng một số luật ban hành còn thấp, số lượng văn bản dưới luật quá lớn, dẫn đến khó kiểm soát được tính hợp hiến, hợp pháp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn.

Ngoài ra, tình trạng cùng một vấn đề nhưng giao cho nhiều bộ, ngành quản lý nên ban hành các quy định khác nhau dẫn đến khó áp dụng, thực hiện trên thực tế. Riêng vấn đề “tuổi thọ” của các văn bản pháp luật ở nước ta thì phải nói là ngắn. Thậm chí, nhiều văn bản mới ban hành chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Không có gì bất ngờ khi 16 năm qua, tính từ năm 2000 đến nay, số giấy phép con, tức điều kiện kinh doanh (ĐKKD) do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật đã tăng vọt lên con số 4.000. Đến nay, ngoài cuộc chiến tiếp diễn chống lại ĐKKD do các thông tư ban hành trái luật thì còn phải đối mặt thêm với các nghị định trái luật và ngay cả luật trái luật.

Đây thực sự là “cuộc chiến” không tên! Hết sức buồn!

Đọc thêm