Cựu binh Gạc Ma gần 30 năm sống cùng 'giấy báo tử'

(PLO) - Là một trong những cựu binh sống sót trở về, mang trên mình đầy thương tật, anh Nguyễn Văn Thống (SN 1964, ở thôn Khối, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn nhớ như in trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 và những năm tháng tù đày ở Trung Quốc.
Anh Thống và tấm giấy báo tử được sinh ra lần thứ hai
Anh Thống và tấm giấy báo tử được sinh ra lần thứ hai

Cựu binh Nguyễn Văn Thống nhớ như in giây phút tàu Trung Quốc tấn công tàu HQ 604 vào sáng sớm ngày 14/3/1988. Lúc đó trên tàu có khoảng 100 chiến sỹ, chủ yếu là lực lượng công binh. Trận chiến ác liệt ấy đã cướp đi sinh mạng của 64 cán bộ chiến sỹ Việt Nam. 9 người bị Trung Quốc bắt giữ, trong đó có Nguyễn Văn Thống.

 Sau khi thoát khỏi vòng vây và những làn đạn xối xả của địch, anh trôi dạt lênh đênh trên biển suốt cả ngày trời, người đầy vết thương, máu chảy lênh láng. Trong lúc trôi dạt ấy anh gặp nhiều đồng đội cùng trôi với mình. Ám ảnh vô cùng với anh là có anh đã bị đạn vạt một bên trán, vẫn nhắn với theo: “ Khi nào có tàu ( cứu hộ) đồng chí  nhớ gọi nhé!”...

Và khi ngụp lặn khỏi con tàu đang chìm dần, anh Thống níu lấy tấm ván gỗ và để mặc nó trôi trên biển. Đến khoảng 4h chiều 14/3, anh Thống đang ôm tấm ván gỗ lênh đênh trên biển thì gặp người đồng đội là anh Lê Văn Đông.

Anh Đông là đồng hương với anh Thống, quê ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Họ nhận ra nhau nhưng lúc ấy ai nấy đều bị thương nặng, sức kiệt nên chỉ dặn nhau được một câu: “Nếu ai sống sót trở về thì nhắn với gia đình rằng mình đã chiến đấu kiên cường để bảo vệ Tổ quốc. Chết vinh quang!”.

9 người lính hải quân bị Trung Quốc bắt giữ trong trận chiến đảo Gạc Ma được trở về Việt Nam (Trong ảnh, anh Thống đứng thứ ba từ trái sang)

9 người lính hải quân bị Trung Quốc bắt giữ trong trận chiến đảo Gạc Ma được trở về Việt Nam (Trong ảnh, anh Thống đứng thứ ba từ trái sang)

“Lúc đó, rất nhiều người bị trúng đạn nằm lại biển khơi, còn tôi bị 8 mảnh đạn pháo găm khắp người”, cựu binh Nguyễn Văn Thống nhớ lại giây phút sinh tử. Đến chiều ngày 14/3, Nguyễn Văn Thống cùng 8 đồng đội khác bị tàu Trung Quốc phát hiện và bắt giữ đến đảo Lôi Châu. Do vết thương quá nặng, anh Thống ngất lịm, không còn biết gì nữa. Sau này, anh mới nhận ra hai người đồng hương cùng quê là anh Mai Xuân Hải ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch và anh Lê Văn Đồng, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch.

“Trên người tôi có nhiều vết thương, nặng nhất là ở vùng mắt trái, chân và tay. Khoảng vài tháng đầu, sáng cũng như chiều chúng dựng dậy lần lượt hỏi cung từng người: Ai chỉ huy, quân số bao nhiêu, vũ khí loại gì... Chúng tôi đều nói không biết. Chúng tôi là lính, chỉ biết nhiệm vụ được giao là xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, anh Thống kể.

Sống trong trại giam với điều kiện vô cùng khắc khổ, Nguyễn Văn Thống cùng đồng đội không biết đến dòng chảy thời gian ở bên ngoài, nhớ quê nhà da diết nhưng họ cũng xác định mình không có ngày trở về. Thậm chí, các anh còn tự an ủi nhau, có chết thì cũng được chết trên đất liền chứ không trôi dạt mất xác như đồng đội đã ngã xuống ngày 14/3 bất tử đó.

Tuy nhiên, trong số 9 người, chỉ có anh Thống bị thương nặng nên được chọn ở cùng 1 đồng đội để giúp đỡ. Anh Thống đã chọn anh Đông, và hai người được ở cùng với nhau suốt những năm tháng đó. Còn lại, mỗi người ở riêng một phòng.

Đến ngày 28/8/1991, sau 3 năm, 5 tháng, 15 ngày bị Trung Quốc giam giữ, 9 người lính công binh được trao trả về biên giới Việt Nam. Mãi cho tới lúc này anh Thống mới viết thư cho gia đình thông báo mình bị thương ở chân, tay và vĩnh viễn mất đi một mắt, để người thân chuẩn bị tinh thần khi đón anh trở về.

Anh Thống và anh Đông, hai người bạn “đi đâu cũng có nhau”

Anh Thống và anh Đông, hai người bạn “đi đâu cũng có nhau”

Quay trở lại câu chuyện lúc chàng trai Nguyễn Văn Thống bị thương trên biển và bị Trung Quốc bắt giữ. Lúc đó, theo dõi thấy thông tin đài báo về trận chiến Gạc Ma, trong lòng ông Nguyễn Viết Thoáng (bố cựu binh Thống) như ngồi trên đống lửa, ông nhất quyết khăn gói lên đường vào đơn vị đóng ở Đà Nẵng để hỏi lại tin tức của con trai.

Rồi khi “biết chắc” con mình đã mất, ông buồn bã trở về lo hậu sự cho con: “Gia đình tôi sắm ít lễ vật, nhờ thầy bói ra biển gọi hồn con về, rồi lập bàn thờ, đắp mộ gió lấy nơi thờ tự con”.

Sau hơn một năm khi gia đình còn buồn bã trong đau đớn thì họ nhận được thư từ phương xa gửi đến, nhìn rõ nét chữ của con trai thông báo mình còn sống và đang ở Trung Quốc, cả nhà lại khóc nhưng lần này, họ khóc trong hạnh phúc, khóc trong sự vui mừng bởi con trai họ vẫn còn may mắn sống sót giữa ranh giới sinh tử mong manh.

“Ngày trở về quê hương, trong nhà, ngoài đường chật kín người tới hỏi thăm.Nhìn bàn thờ nghi ngút khói hương, tôi thấy di ảnh của mình trên đó.Hỏi sao cha mẹ không dọn bàn thờ của tôi đi thì mẹ nói để tự tay tôi làm”, cựu binh Thống tâm sự.

Hơn một năm sau khi trở về, cựu binh Nguyễn Văn Thống lập gia đình với một cô gái cùng quê. Họ lần lượt sinh được hai người con trai kháu khỉnh. Sống giữa thời bình, nhưng do mang trên mình nhiều thương tật, anh Thống cùng vợ phải chật vật với cuộc mưu sinh…

Đọc thêm