Cựu ĐBQH còn không hiểu, làm sao dư luận không ngơ ngác?

(PLO) - Điều 25 Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng – PCTN (sửa đổi) đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Cựu ĐBQH còn không hiểu, làm sao dư luận không ngơ ngác?

Cụ thể, về việc tặng quà và nhận quà tặng nêu rõ: “Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chỉ được phép nhận quà tặng mang tính chất lưu niệm và có giá trị đến 2 triệu đồng trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Trường hợp quà tặng có giá trị trên 2 triệu đồng, thì người nhận quà phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình”.

Dự thảo Luật cũng nêu, người nộp lại quà tặng theo quy định được ưu tiên mua lại quà tặng, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý CBCCVC quyết định việc tổ chức bán quà tặng(!). Tiền thu được từ việc bán quá tặng, sau khi trừ các chi phí hợp lý liên quan đến việc bán quà tặng phải được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. 

Về việc tặng và nhận quà được quy định như trên, một PGS.TS nguyên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII (đoàn Hà Nội) cho rằng, đề xuất này chưa rõ ràng, thiếu khả thi. “Tôi không hiểu tại sao họ lại đưa điều khoản này vào trong dự thảo? Cơ sở nào để quy định cán bộ nhận quà lưu niệm không quá 2 triệu đồng?”, bà đặt câu hỏi.

Đến cựu ĐBQH còn không hiểu thì làm sao dư luận không ngơ ngác?

Điều 40 Luật PCTN (Luật 2005) có quy định việc tặng quà và nhận quà tặng của CBCCVC. Còn tại Điều 18 Luật Công chức có hiệu lực thi hành từ năm 2010, quy định những việc CBCCVC không được làm liên quan đến đạo đức công vụ, không được “sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật”. Việc tặng quà trái quy định chỉ là một trong các nội dung cụ thể hóa điều luật này. 

Xin nói, quà tặng có ý nghĩa văn hóa. Tuy nhiên, ở đây là sự giao thoa mong manh. Phạm trù văn hoá - sự ràng buộc chỉ có thể là các quan hệ tình cảm. Còn phạm trù pháp luật chính là các điều cấm. Sử dụng thiết chế luật để điều chỉnh phạm trù văn hóa, tức lấy quy định cấm để điều chỉnh ý thức đã định hình qua các thời kỳ lịch sử, rõ ràng quá khó đối với các nhà làm luật. Nhưng khó không có nghĩa phó mặc, đưa vào luật là để nắn chỉnh những lệch lạc, lợi dụng truyền thống văn hóa để “trục lợi” và “lợi dụng”.

Trước đây chúng ta từng tranh cãi như thế nào là “quà tặng ngang mức tình cảm”, “trên mức tình cảm”? Trong Cổ học tinh hoa kể rằng, một người dân mang quà đến hối lộ, sợ quan không nhận, người này nói: “Quan cứ nhận đi, chuyện này chỉ có quan và tôi biết thôi”. Nhưng quan gạt đi và nói: “Còn có trời, đất biết nữa”, rồi không nhận. Thực chất “trời, đất” trong cách hiểu này là lương tâm của hai người (cho và nhận). 

Suy cho cùng, văn hóa quà tặng phải giữ gìn, việc chống biến tướng, nghiêm cấm cũng cần. Nhưng phải khả thi, còn chữ “trời, đất” như trong câu chuyện trên là khi hai phía đều trong sáng. Điều rất hiếm, hiện nay!.

Đọc thêm