Đại biểu QH bức xúc vì vi phạm đất rừng tràn lan

(PLO) - Hôm qua (10/11), thảo luận Báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014, nhiều đại biểu bức xúc trước sự buông lỏng quản lý dẫn đến không khai thác được hiệu quả đất đai của các nông, lâm trường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đề cập đến tình trạng giao đất của các nông, lâm trường (NLT) với nhiều sai phạm nhức nhối. Nhiều NLT, nhất là những nơi “khoán trắng”, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán để xảy ra tình trạng người nhận khoán tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc.
Thừa nhận những yếu kém trong quản lý đất đai tại các NLT thời gian qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đưa ra nhiều nguyên nhân. Trong đó, đáng chú ý là “do chính sách đất đai đã qua nhiều thời kỳ, chưa theo kịp thực tiễn, đã buông lỏng quản lý từ TƯ đến địa phương, chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn, chưa tổ chức thanh tra tất cả các NLT về sử dụng đất, chưa quan tâm việc xử lý sau thanh tra gây bức xúc trong xã hội” - theo Bộ trưởng Bộ TN&MT. 
Còn với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, khuyết điểm chính là việc thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này “kém hiệu quả, cố gắng làm nhưng không đạt như mong đợi”. Hai Bộ trưởng “nghiêm túc nhận khuyết điểm” về những hạn chế, yếu kém trong quản lý, sử dụng đất tại các NLT nhưng đề nghị “làm rõ cả trách nhiệm của các bộ, chủ tịch UBND các địa phương trong vấn đề này”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng phản bác ý kiến cho rằng việc phát triển NLT đã khiến đồng bào dân tộc thiếu đất ở, thiếu nơi sản xuất. Ông Phát cho biết, nhìn một cách tổng thể, nhiều NLT đã có đóng góp quan trọng như NLT thuộc Tập đoàn Cao su, Công ty Long Đại (Quảng Bình), năng suất cao hơn bình quân của cả nước và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành. Chính nhờ các NLT là lực lượng lòng cốt để vừa phát triển nông sản vừa bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh quốc phòng cho đất nước.
Hiện Bộ TN&MT đã thành lập các tổ công tác đến các địa phương trọng điểm hướng dẫn vẽ hồ sơ địa chính và đề nghị xin cấp 1.000 tỷ đồng để hoàn thành công việc này. Còn Bộ NN&PTNT tin tưởng “Việc sản xuất lại NLT là khai thác một nguồn lực to lớn. Chúng tôi phấn khởi khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 30 với chủ trương mạnh mẽ thực sự sẽ chấn chỉnh tình hình các NLT rất nhiều” - Bộ trưởng Phát bày tỏ. 

Đọc thêm