Đại biểu Quốc hội không nên né báo chí

(PLO) - Đó là chia sẻ của ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII đối với các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV khi tiếp xúc, giao tiếp với báo chí, tại  buổi Tọa đàm “Báo chí với hoạt động của Quốc hội”, hôm qua (29/9).
Đại biểu Quốc hội không nên né báo chí

Cơ hội để tiếp nhận thông tin

Nhấn mạnh báo chí là kênh thông tin hai chiều, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, báo chí phản ánh hoạt động của ĐBQH tới người dân, đồng thời là một kênh giám sát, phản biện các chính sách. ĐBQH phối hợp và cộng tác tốt với báo chí sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm báo chí có chất lượng, khắc họa được những gương mặt ấn tượng của nghị trường. Đây cũng là cơ hội để ĐB xây dựng hình ảnh hoặc tiếp nhận thông tin từ báo chí.

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến nhận định, trong hoạt động của ĐBQH, báo chí đóng vai trò rất quan trọng, không thể thiếu. Một mặt, báo chí là nguồn cung cấp thông tin cho các ĐB về tình hình trong nước và thế giới. Mặt khác, báo chí là phương tiện hữu hiệu để ĐBQH bày tỏ chính kiến của mình nhằm tác động đến các cơ quan, tổ chức, ĐBQH khác và công chúng. Ngoài ra, báo chí là kênh thông tin để ĐBQH báo cáo với cử tri về hoạt động của mình, qua đó xây dựng hình ảnh trước cử tri và công chúng.

Chia sẻ kỹ năng của các ĐBQH khi tiếp xúc, giao tiếp với báo chí, ông Tiến cho biết, nhiều ĐBQH e ngại bởi thông qua việc trả lời phỏng vấn, cử tri sẽ nhận biết được thực chất ĐBQH thế nào. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng nếu các ĐB xây dựng hình ảnh của mình tốt trước các cơ quan truyền thông thì đây sẽ là kênh thông tin hữu hiệu nhất để xây dựng hình ảnh của mình trước cử tri và công chúng. 

Do đó, ông Tiến gợi mở các ĐBQH cần phải nắm vững vấn đề mình được phỏng vấn. Quốc hội là cơ quan lập pháp, ĐB khi trả lời phỏng vấn báo chí hoặc xuất hiện trên truyền hình phải nắm vững luật pháp, không thể trả lời chung chung, hoặc “có thể”, hoặc “để tôi kiểm tra lại xem vấn đề đó ở luật nào”. Cùng với đó các ĐB khi trả lời phỏng vấn phải luôn đi thẳng vào vấn đề được hỏi, không vòng vo, không né tránh những câu hỏi “hóc búa”, nhạy cảm và phải có chính kiến của mình; không nói sai sự thật, nói trái với ý nghĩ của mình; không phát biểu theo ý kiến số đông.

“Có không ít đại biểu biết rất rõ mà không chịu phát biểu”

Cũng chung quan điểm và cho rằng, đại diện cho dân mà không có hoạt động liên quan báo chí là không được, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH nhấn mạnh, tiếp xúc và trả lời báo chí vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của ĐBQH. Muốn một QH minh bạch, QH vì dân thì phải coi việc tiếp xúc với báo chí vừa là quyền  nhưng cũng là trách nhiệm của ĐBQH.

“Tôi đã từng phát biểu rằng, hễ xảy ra vấn đề gì, khi phóng viên báo chí gọi điện hỏi thì các cấp chính quyền đều nói bận họp, và rất nhiều lý do khác. Nhưng tôi cho rằng, bận họp chính là cái cớ để né tránh trách nhiệm”, ông Cương phát biểu và cũng bày tỏ quan điểm các ĐBQH không nên né tránh mà nên mạnh dạn nói lên quan điểm, ý kiến của mình.

Chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân, ông Cương cho rằng khi tiếp xúc với báo chí phải nói một cách có cơ sở, chuẩn xác. Nhưng quan trọng hơn cả là phải có lý trí, có dũng khí, bởi trước một xã hội có rất nhiều vấn đề, nếu không có dũng khí sẽ không bao giờ  dám nói ra bất cứ điều gì. “ĐB là đại diện cho dân nên phải truyền đạt được ý kiến của dân, muốn làm được thế thì phải có nghiên cứu, tìm hiểu để có thể phát biểu trên nghị trường, phát biểu trước báo chí. Có người không có kinh nghiệm, không có thông tin đã đành, nhưng cũng có không ít những ĐB biết rất rõ mà không chịu phát biểu”, ông Cương thẳng thắn.

 Nhiều bài báo có sức lay động về chủ đề biển, đảo

Cũng trong ngày hôm qua đã diễn ra Hội thảo “Báo chí tuyên truyền biển, đảo và biên giới lãnh thổ khu vực Tây Nam bộ”, do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhấn mạnh: “Bảo vệ biển, đảo, biên giới lãnh thổ không chỉ là bảo vệ không gian sinh tồn và phát triển của đất nước, hạnh phúc của nhân dân mà còn bảo vệ những gì thiêng liêng nhất mà bao thế hệ đi trước đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau”. 

Theo ông Việt, thời gian qua, các cấp, ngành và những người làm báo ở các báo, đài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung đã có hoạt động thiết thực, những bài viết có sức lay động về chủ đề biển, đảo tạo ra dư luận tốt trong xã hội. Nhiều phóng viên, nhà báo sẵn sàng xông pha vào những “điểm nóng” trên biển bằng tất cả cái tâm của người làm báo và tình yêu biển đảo, trở thành sợi dây kết nối giữa biển và bờ, tạo niềm tin, nâng cao ý thức trách nhiệm cho mỗi ngư dân, cho mỗi công dân Việt Nam trong việc chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và biên giới lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. 

“Qua hàng ngàn tác phẩm báo chí với các loại hình khác nhau, trong đó có hàng trăm phóng sự chân thật và sinh động, thật sự lôi cuốn người đọc, người xem, người nghe có thái độ, trách nhiệm trong việc khẳng định chủ quyền, đồng thời khơi dậy và thôi thúc tinh thần yêu nước, khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần tạo thành những phong trào thật sự có sức lôi cuốn và lan tỏa”, ông Việt cho biết thêm.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện nay tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường với những biến động chính trị, xã hội ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia; xung đột lợi ích, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo diễn ra nhiều nơi, nhất là ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành và những người làm báo cần nỗ lực hơn nữa, đồng thời tìm ra các phương thức tuyên truyền để đấu tranh hiệu quả hơn, đưa chủ trương, chính sách và các kết quả nghiên cứu, các kiến nghị hợp lý đi vào cuộc sống.

Đọc thêm