Đại biểu Quốc hội nói về vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang

(PLO) - Sáng nay, bên hành lang Quốc hội, nói về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) vừa được trả tự do sau 10 năm ngồi tù về án giết người, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, "quan trọng nhất trong câu chuyện đó là vấn đề bảo đảm quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ".
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến những sai sót trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn?
- Quan trọng nhất trong tố tụng, nước nào cũng vậy, có sai sót nhưng sai sót này phải được đánh giá là sai sót nghiệp vụ vô ý hay do thiếu trách nhiệm, thiên vị, tiêu cực tham nhũng. Nếu như do nghiệp vụ, nghĩa là trong thời điểm đó các cơ quan chức năng không đủ điều kiện cần thiết, khách quan để thu thập đủ chứng cứ dẫn đến đánh giá sai vụ án thì vẫn là sai và phải rút kinh nghiệm để sửa. Nhưng sai phạm nghiệp vụ đó được đánh giá ở mức độ khác.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
Còn nếu đã có chứng cứ rõ ràng rằng "ông Chấn có bằng chứng ngoại phạm" và được cung cấp cho cơ quan điều tra, kiểm sát, Tòa án nhưng chứng cứ hiển nhiên đó lại bị bác bỏ thì phải xem là do cố tình thiên vị hay vô cảm với quyền của bị can, bị cáo hay cố tình bảo vệ kết quả bức cung, thậm chí có tiêu cực, tham nhũng. Nếu có những hiện tượng này thì phải có xử lý nghiêm khắc hơn.
Trong vụ án này do nghi ông Chấn không hiếp dâm được dẫn đến giết người, ông có cho rằng có sự phân biệt đối xử như nhiều nghi án hiếp dâm khác?
- Tôi đã nói rồi. Hiện nay nguyên tắc "suy đoán vô tội" là nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự quốc tế và của đa số các nước dân chủ và văn minh, được qui định trong Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam. Nên vấn đề là lâu nay nguyên tắc này không được thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh. Chưa kể có hiện tượng có định kiến, thành kiến đối với bị can, bị cáo, điều tra không theo tư duy suy đoán vô tội mới, ép cung, bức cung dẫn đến sai lầm. Chúng ta chỉ cần làm đúng qui định của pháp luật hiện hành về bảo đảm quyền có LS của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ, đối xử với họ như người không có tội đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án thì sẽ hạn chế, khắc phục được nhiều oan sai như vụ ông Chấn
Có phải truy cứu trách nhiệm của những cấp ra quyết định giải quyết?
- Việc đó thì phải xem xét vì hiện chưa có cơ sở. Như tôi đã nói, phải xem nguyên nhân gì (do yếu kém nghiệp vụ, điều kiện khách quan lúc đó như giám định chưa có, thiên vị, tiêu cực…), tìm được nguyên nhân mới có biện pháp xét xử hợp lý được.
Trong quá trình đó, có đặt vấn đề về việc ông Chấn đã nhận tội hay không?
- Đây không phải trường hợp cá biệt của Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng vậy. Khi người ta bị ép cung thì sẽ nhận để qua giai đoạn thẩm vấn, điều tra. Chừng nào còn bức cung, ép cung, nguyên tắc "suy đoán vô tội", quyền có LS, quyền bào chữa  không được bảo đảm như luật định thì những sẽ vẫn xảy ra những trường hợp như vậy.
Vậy trong vụ án này, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
- Các cơ quan có liên quan, công an, viện kiểm sát, tòa án phải kiểm điểm, lỗi của cơ quan nào thì cơ quan đó chịu trách nhiệm.
Từ trước đến nay ông biết có trường hợp nào đã qui trách nhiệm như vậy?
- Tôi không biết trước đây như thế nào, nhưng lần này, vụ việc của ông Chấn đã đưa ra trước công luận như vậy thì phải kiểm điểm. Thực tế, trong tố tụng luôn có tỷ lệ sai sót trong nghiệp vụ nên luật qui định có các cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và thủ tục xét xử đặc biệt (giám đốc thẩm, tái thẩm), nhưng quan trọng là tỷ lệ sai sót do nghiệp vụ đó phải ở mức độ thấp, chấp nhận được và không phải vì những nguyên nhân thiên vị tiêu cực, coi thường quyền của người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo. Pháp luật nước ta đã qui định đủ và chỉ cần làm đúng các qui định đó thì sẽ hạn chế rất nhiều. Vấn đề là hiện nay, nhiều qui định không được thực hiện đúng.

Đọc thêm