Đại biểu Quốc hội sẽ tự kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau

(PLO) - Tại phiên họp cho ý kiến về Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua (24/9), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề xuất lập cơ chế kiểm soát, kiểm tra lẫn nhau giữa các đại biểu Quốc hội trong việc tham dự các phiên họp của Quốc hội. 
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến
Tại phiên họp, các đại biểu (ĐB) nhất trí với quy định trong Dự thảo, theo đó Quốc hội (QH) họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ. Kỳ họp giữa năm khai mạc vào ngày 20/5, kỳ họp cuối năm khai mạc vào ngày 20/10. Trường hợp ngày 20/5 và ngày 20/10 trùng vào ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp là ngày làm việc kế tiếp, trường hợp đặc biệt do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định. 
Các ý kiến cũng nhất trí đề cao trách nhiệm của ĐB trong việc tham gia đầy đủ các kỳ họp QH, các phiên họp tại kỳ họp; góp ý kiến về nội dung của kỳ họp, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của QH.
Về vấn đề ĐB vắng mặt tại các phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết, thời gian vừa qua, cử tri cả nước, thậm chí ngay trong nội bộ các đoàn ĐBQH không đồng tình với việc một số ĐB trong kỳ họp hay vắng mặt và tranh thủ làm việc riêng. “ĐB QH là phải tham dự đầy đủ các phiên họp của QH vì QH làm việc tập thể. ĐB không dự tức là đã không thực hiện trách nhiệm với người dân đã bầu ra” – ông Ksor Phước nói. 
Tuy nhiên, nhất trí với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng quy định như trong Dự thảo Nội quy là rườm rà, ông Ksor Phước đề xuất ĐBQH vắng không phải báo với Chủ tịch QH nhưng phải báo với Trưởng đoàn và Tổng Thư ký QH biết để Tổng Thư ký tổng hợp lại và báo cáo tới Chủ tịch QH. Theo đề xuất của vị Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ĐBQH không được vắng quá 1/5 thời gian trong một kỳ họp nếu không có lý do chính đáng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng thì đề nghị lập thông báo, trong đó có danh sách ĐB nghỉ hàng ngày, có ghi tên tuổi, lý do nghỉ để gửi tới các đoàn để cùng biết. “Ai nghỉ nhiều sẽ ngượng và QH khi báo về địa phương sẽ phát hiện ĐB nghỉ không có lý do, nên ĐB sẽ tự động không dám nghỉ. Việc kiểm soát, kiểm tra lẫn nhau như vậy là rất tốt” – ông Dũng nhận định. 
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, Chủ tịch QH là chủ tọa phiên họp nên ai vắng, ai đi đâu phải được sự đồng ý của chủ tọa. Do vậy, các ĐB phải được sự đồng ý của Chủ tịch QH mới được vắng mặt tại phiên họp. 
Dự thảo Nội quy cũng có quy định về việc công dân có thể được dự thính các phiên họp toàn thể công khai của QH. Tổng Thư ký QH sẽ chịu trách nhiệm quy định về tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp của QH để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn kỳ họp QH, không ảnh hưởng đến hoạt động của QH và ĐBQH.
* Cùng ngày, UBTVQH đã họp cho ý kiến về Dự án Luật về Hội – một trong những luật được đánh giá khó và khá nhạy cảm, nếu không cẩn thận sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.
Trình Dự luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Bởi vậy, để thể chế hoá Hiến pháp năm 2013, Luật về Hội phải được xây dựng nhằm bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò của Hội và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội. 
Tính đến tháng 12/2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động trong phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động trong phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù. Hiện tại, các hội đang phát triển đa dạng với quy mô, phạm vi và tính chất hoạt động khác nhau.
Dự thảo Luật lần này đã ghi nhận quyền lập hội của công dân và pháp nhân Việt Nam bao gồm: Quyền tham gia Ban vận động thành lập hội, quyền tham gia thành lập hội, quyền gia nhập hội, quyền tham gia hoạt động của hội, quyền tham gia điều hành hoạt động của hội và quyền ra khỏi hội theo quy định của điều lệ hội…
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt sau đây, công dân sẽ bị hạn chế quyền lập hội: Vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; cá nhân bị mất quyền công dân hoặc bị hạn chế quyền công dân theo quy định của pháp luật; mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình; đang bị truy cứu trách nhiệm hoặc đang chấp hành các hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự; bị kết án nhưng chưa được xóa án tích,…
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng đây là những biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa và vai trò làm chủ của nhân dân được thể hiện trực tiếp trong tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình thảo luận nhiều ý kiến đại biểu lo ngại về những tiêu cực. 
Cơ quan thẩm tra Dự án Luật cũng đồng ý kiến với Chính phủ, theo đó Dự thảo cần quy định: “Luật này không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam”.

Đọc thêm