Đại hội của sự đổi mới

(PLVN) - Ngày 28/1, bên lề Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, nhiều đại biểu đã bày tỏ những ý kiến tâm huyết về các văn kiện trình Đại hội, đặc biệt là những chủ trương, giải pháp bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm.
Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đại hội XIII của Đảng.
Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đại hội XIII của Đảng.

Giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai

Theo ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái (Đoàn Đại biểu tỉnh Yên Bái), chúng ta đang trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trong quá trình đổi mới thì không thể tránh khỏi có những vấn đề bất cập xảy ra trong thực tiễn mà hệ thống cơ chế chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Chính vì vậy, trong suốt nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã đặt ra vấn đề này và hiện đưa vào trong văn kiện trình Đại hội XIII, đó là có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về sự phát triển chung của mỗi địa phương và của đất nước. Điều này sẽ giúp lãnh đạo các địa phương tự tin và vững tâm hơn trong công việc của mình.

“Chúng tôi là những lãnh đạo địa phương rất tâm đắc với chủ trương này của Trung ương Đảng mà tới đây sẽ được quyết nghị trong Đại hội XIII” - ông Duy chia sẻ. 

“Tôi cảm thấy rất tâm đắc khi phương châm trong Báo cáo chính trị về việc lấy dân làm gốc có mới hơn so với trước đây ở hai cụm từ: “Dân giám sát” và “Dân thụ hưởng” (trước đây chỉ là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”).

 “Cụm từ “dân thụ hưởng” tôi rất quan tâm. Điều đó thể hiện báo cáo chính trị lần này đã được chuẩn bị rất công phu, trí tuệ và lắng nghe, tiếp thu tất cả các ý kiến của nhân dân. Điều đó cũng cho chúng ta một niềm tin là sau Đại hội, Nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống và giúp cho đất nước ta thực hiện được mục tiêu dân giàu nước mạnh”.  (Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu TP Hồ Chí Minh)

Còn ông Trần Trung Nhân, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai (Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai) nhận định, trước đây chúng ta thường nghe “ba dám”, là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì tại Báo cáo Chính trị lần này, Đảng khuyến khích và có giải pháp để bảo vệ những cán bộ dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách.

Cụ thể hơn về vấn đề này, ông Trần Trung Nhân cho biết, dám nói ở đây là nói thẳng, nói thật, nói đúng, không cần nói nhiều, quan trọng nói là phải làm. Đặc biệt là dám đương đầu, dám đột phá - đây là vấn đề mới, vấn đề khó, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết, như trong dự thảo Báo cáo Chính trị đã nêu là chưa đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo…

Theo ông Nhân, trong điều kiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta hiện nay rất quyết liệt, có một bộ phận nhỏ cán bộ có tâm lý e dè, sợ sai trong thực thi công vụ của mình. Do vậy, trong dự thảo Báo cáo Chính trị lần này đặt ra “sáu dám” - ông cho rằng đây là “liều thuốc” rất kịp thời, giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

“Chính từ những chủ trương này, tôi nghĩ tới đây, Đảng, Nhà nước sẽ có những quy định rất cụ thể, rất thiết thực để bảo vệ những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, vì nước, vì dân. Có như vậy, việc thực hiện đạt các mục tiêu như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra là hoàn toàn khả thi” - ông Nhân tin tưởng.

Ba đột phá chiến lược được nâng lên tầm cao mới

Đề cập đến những điểm mới trong ba đột phá chiến lược tại các văn kiện trình Đại hội XIII, ông Trần Hoàng Ngân (Đoàn Đại biểu TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ Đại hội XI, XII và đến nay là Đại hội XIII, bên cạnh 6 giải pháp quan trọng thì chúng ta tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược.

“Chúng ta nghe nhiều đến ba đột phá chiến lược trong suốt 10-15 năm vừa qua, nhưng chúng ta chưa đạt được, do vậy chúng ta phải tiếp tục thực hiện được ba đột phá này ở mức cao hơn” - Đại biểu Ngân nói.

Chẳng hạn, trong đột phá về mặt thể chế, một nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 13 đã đưa ra và công bố hơn cả trăm bộ luật; Quốc hội khóa 14 cũng tương tự. Như vậy, chúng ta có hệ thống luật rất nhiều, nhưng vấn đề còn lại là làm sao cho đồng bộ, làm sao tuổi thọ của luật dài hơn và giảm bớt sự chồng chéo.

Do đó, Đại hội lần này nhấn mạnh thể chế đó giúp cho sự phát triển của các mô hình mới, các loại kinh doanh mới, tức là phải thích hợp với những đổi mới sáng tạo, thích hợp với ngành nghề kinh doanh mà lúc đó thể chế có thể chưa bắt kịp được.

“Về vấn đề hạ tầng, trong các lần trước, chúng ta đề cập nhiều đến hạ tầng kinh tế, lần này chúng ta nhấn mạnh hơn không những đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế mà còn về mặt xã hội, an ninh, quốc phòng… và nhấn mạnh đến hạ tầng số, hạ tầng công nghệ viễn thông. Như vậy, ba đột phá chiến lược này đặt ở tầm mới, xu hướng mới và tôi nghĩ đó là vấn đề phù hợp với thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0” - Đại biểu Ngân nêu quan điểm.

Nêu vấn đề đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Trần Hoàng Ngân chia sẻ: “Ở điểm này tôi vẫn còn suy nghĩ, chúng ta cứ đổi mới về giáo dục như vậy, các em học sinh và phụ huynh cũng cảm thấy lo lắng, rằng lần nào cũng nghe thấy đổi mới. Do vậy, phải có chiến lược phát triển giáo dục, bởi vì yếu tố con người là quan trọng nhất. Mặt khác, trong thời đại Cách mạng 4.0, tư duy của người lao động cũng rất quan trọng. Do đó, chúng ta phải thật sự có chương trình đổi mới một cách toàn diện để đảm bảo sự hội nhập với quốc tế. Lúc đó cả học sinh và phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm hơn với quá trình đổi mới giáo dục của chúng ta”.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhận định, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố hàng đầu quyết định việc nâng cao năng suất lao động và đây cũng là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới. Vì thế, để chúng ta tham gia vào quá trình hội nhập này thì yêu cầu đặt ra với ngành Giáo dục đào tạo nói chung, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quyết định hết sức quan trọng.

Không khí thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm

Đánh giá về một ngày rưỡi tham luận tại Đại hội, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định, các đại biểu đều cảm nhận một không khí thảo luận rất dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết.

Các buổi tham luận cũng mang tinh thần, khí thế từ các Hội nghị Trung ương 11, 12, 13, 14, 15 đến Đại hội. Các bài tham luận đều thể hiện tính khái quát cao, nhưng cũng đi thẳng vào vấn đề theo gợi ý của Đoàn Chủ tịch. Bên cạnh đó, các lĩnh vực, khía cạnh tham luận cũng rất phong phú, đa dạng.

Tại Đại hội ai cũng cảm nhận được một khí thế quyết tâm, động lực mới của toàn Đảng, toàn dân mong muốn Đại hội XIII sẽ thực sự trở thành một Đại hội của sự đổi mới với quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

“Ngay trong thời gian diễn ra Đại hội, trên cơ sở các văn kiện của Trung ương, Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái cũng đã thảo luận các biện pháp để sớm triển khai Nghị quyết ngay sau Đại hội; cụ thể hóa thành các nghị quyết chuyên đề, các chương trình, hành động của địa phương và lãnh đạo, chỉ đạo để đạt mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” - ông Duy cho biết.

Các tầng lớp nhân dân kỳ vọng Đại hội XIII sẽ lựa chọn được những đảng viên thực sự ưu tú, đại diện cho trí tuệ, tâm huyết của hơn 5 triệu đảng viên, cũng như đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân để tham gia vào bộ máy lãnh đạo, đưa đất nước ta phát triển trong giai đoạn tới theo đúng Nghị quyết Đại hội XIII đề ra.

Đọc thêm