Đảm bảo công bằng khi thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc

(PLO) - Qua 3 lần sửa đổi, Luật Nghĩa vụ quân sự đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng và tiếp tục được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) (sửa đổi), chiều qua (12/11), đa số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc sửa đổi Luật này để tạo sự công bằng trong việc thực hiện NVQS của công dân trong thời bình và nâng cao chất lượng lực lượng quân đội nhân dân.
Động viên tân binh lên đường làm nghĩa vụ quân sự
Động viên tân binh lên đường làm nghĩa vụ quân sự 
Tại ngũ 24 tháng là cần thiết
Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ theo quy định của Luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, có sức chiến đấu cao, có lực lượng dự bị động viên hùng hậu. 
Vì vậy, để bảo đảm đủ thời gian huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; giảm mức độ tổn thất về con người và vũ khí, trang bị khi tác chiến xảy ra; nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở và giảm chi phí ngân sách, thời gian huấn luyện quân nhân dự bị, Dự án Luật quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng.
Đa số ĐBQH tán thành kéo dài thời hạn tại ngũ là 24 tháng theo đề xuất của Chính phủ để tạo điều kiện cho công tác tuyển quân, huấn luyện. ĐB Bùi Đức Hạnh (Lào Cai) cho rằng, thời gian tại ngũ 24 tháng còn tạo điều kiện cho những người có nhu cầu thi vào các trường của quân đội, đủ thời gian phát triển Đảng cho tân binh vì Bộ đội Biên phòng thường tuyển quân ở các xã biên giới nên đây là hạt nhân phát triển cho địa phương sau khi hoàn thành NVQS.
“Lọc” lại đối tượng được miễn, hoãn gọi nhập ngũ
Hiện một số công dân đã lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn tránh thực hiện NVQS nên Dự án Luật đã quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy, với một con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. 
Nhưng từ thực tế hiện nay, tổng số thanh niên được gọi đi NVQS chỉ chiếm 10% tổng số thanh niên trong độ tuổi, nhiều ĐBQH bày tỏ tán thành việc thu hẹp đối tượng được miễn, hoãn gọi nhập ngũ để phù hợp với việc thực hiện NVQS thời bình và tạo sự chủ động, sẵn sàng cho lực lượng Quân đội nhân dân. 
Một số ĐBQH đề nghị không miễn gọi nhập ngũ đối với đối tượng công tác tại vùng sâu, vùng xa để đảm bảo công bằng với những người dân sinh sống, làm việc tại địa bàn đó không phải là đối tượng được miễn NVQS. 
Tán thành cao việc qui định độ tuổi tại ngũ trong Dự thảo Luật, nhiều ĐBQH cho rằng việc qui định kéo dài đến 27 tuổi đối với học sinh, sinh viên được hoãn gọi NVQS để tiếp tục thực hiện NVQS sau khi tốt nghiệp là hợp lý. Hiện rất nhiều thanh niên lợi dụng “giấy gọi nhập học” để trốn tránh thực hiện NVQS dù thực tế không theo học mà chỉ “loanh quanh để chờ thi đại học lại vào năm sau” như phản ánh của ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định). Còn ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị có thể giới hạn độ tuổi tham gia NVQS để có “độ mở” cho mọi người có điều kiện thực hiện NVQS.

Đọc thêm