'Dân được thụ hưởng là đích cuối cùng chương trình nông thôn mới'

(PLVN) - Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và lãnh đạo một số bộ, ban ngành Trung ương tới dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2010 - 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Sự bứt phá quyết liệt

Phát biểu tại Hội nghị, ông Huệ cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, các tỉnh, thành và khu vực trên cả nước đã tiến hành tổng kết 10 năm việc thực hiện chương trình này sớm hơn 1 năm so với kế hoạch nhằm kịp thời đúc kết các giải pháp để thực hiện hiệu quả ngay trong giai đoạn 2021- 2025.

“Vào đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ và các địa phương đã mất gần 2 năm để cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội về hoàn thiện bộ tiêu chí NTM và tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Do đó, phong trào xây dựng NTM có dấu hiệu chững lại trong năm 2016 - 2017. Không muốn lặp lại tình trạng cũ, để thúc đẩy hiệu quả, thực chất hơn nữa xây dựng NTM khi bước vào giai đoạn 2021- 2025, chúng ta cần tổng kết sớm để tính toán điều chỉnh và ban hành chính sách mới từ bây giờ”, ông Huệ nêu rõ.

Ông Huệ nhìn nhận quá trình xây dựng NTM ở Hà Tĩnh có nhiều điểm nổi bật, cả ở chiều “thấp” và “cao”. Chiều “thấp” là xuất phát điểm thực hiện chương trình thấp so với cả nước và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Năm 2010, số tiêu chí NTM của tỉnh bình quân là 3,5 tiêu chí/xã (cả nước là 4,7), không xã nào có trên 10 tiêu chí, nhiều xã không có tiêu chí.

Thu nhập bình quân người dân nông thôn thấp, chỉ đạt hơn 8 triệu /người/năm (cả nước là 12 triệu). Trong khi đó, Hà Tĩnh liên tục gặp nhiều khó khăn vì thiên tai, bão lũ và cả sự cố môi trường biển tác động tới sinh kế của người dân. 

Điểm nổi bật “cao” mà ông Huệ nhận thấy ở Hà Tĩnh là: “Khát vọng cháy bỏng, quyết tâm rất cao”. Nhờ đó, từ không có xã nào đạt 10 tiêu chí NTM thì đến tháng 9/2019, Hà Tĩnh có 173 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí (chiếm 75,5% tổng số xã). Từ mức bình quân 3,5 tiêu chí/xã đã đạt 18,3 tiêu chí, dự kiến đến cuối năm 2019 đạt 18,9 tiêu chí.

Đặc biệt, mô hình khu dân cư kiểu mẫu trở thành một “đặc sản” của Hà Tĩnh trong cải tạo cảnh quan, khôi phục và giữ gìn văn hoá truyền thống, từng bước phát triển kinh tế vườn, hộ gia đình với chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, du lịch...

Cần xây dựng nhiều mô hình nông thôn mới

Ông Huệ cũng chỉ ra nhiều hạn chế của Hà Tĩnh là sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm - NV) còn ít, việc kết nối với DN còn yếu, xử lý chất thải còn bất cập, sinh kế của người dân chưa bền vững nếu gặp thiên tai, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã thấp hơn bình quân chung cả nước,...

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh quán triệt tinh thần Nghị quyết 26 của Trung ương, coi tam nông là vấn đề chiến lược, xây dựng NTM là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt, vai trò người nông dân là chủ thể. “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Người dân được thụ hưởng là đích cuối cùng của chương trình và coi trọng sự hài lòng của người dân về vật chất và tinh thần”, ông Huệ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh rà soát, xem xét lại quy hoạch NTM gắn với quy hoạch cấp tỉnh, vùng và toàn quốc, trong đó có việc sắp xếp lại thôn, xã và cả cấp huyện; gắn xây dựng NTM với đô thị hóa và kết nối với đô thị, với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Huệ cũng lưu ý Hà Tĩnh tiếp tục phát triển giao thông nông thôn, nhất là giao thông nội đồng sử dụng kết cấu bê tông đúc sẵn theo kinh nghiệm của tỉnh Tuyên Quang nhằm tránh thiệt hại sau lũ; gợi ý cho tỉnh tránh bê tông hoá đường nông thôn mà linh hoạt sử dụng vật liệu cứng hóa, phù hợp với phong tục, truyền thống của mỗi vùng quê.

Về huy động nguồn lực, ông Huệ nhắc lại yêu cầu không huy động quá sức dân mà chú trọng phát triển kinh tế nông thôn để tăng thêm thu nhập của người dân, xây dựng các mô hình NTM gắn với đô thị ven đô, mô hình NTM văn hóa, mô hình NTM gắn với OCOP, du lịch, mô hình NTM trên nền tảng quản lý tài nguyên ven biển và thích ứng khí hậu, mô hình NTM có vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị, công nghệ cao. NTM kiểu mẫu, mô hình vườn mẫu ở Hà Tĩnh không phải chỉ làm cho đẹp để ngắm mà phải có sức sống của sản xuất, lưu giữ được các giá trị văn hoá đặc trưng và chan hoà tình làng nghĩa xóm.

Ngày 28/9, tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cùng các đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tiếp xúc cử tri huyện Vũ Quang, ghi nhận ý kiến gửi tới Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra vào nửa cuối tháng 10 tới.

Các vấn đề liên quan phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp, cơ chế đầu tư hạ tầng cho NTM, bảo vệ môi trường nông thôn và phát triển rừng,... là những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm chia sẻ, gửi ý kiến.

Về nguồn lực đầu tư hạ tầng cho NTM, nhất là những huyện miền núi, ông Huệ cho biết Quốc hội đã cho phép tỉnh điều phối khoản 8% thu từ tiền sử dụng đất để tăng cường cho các xã khó khăn. Với nguồn lực đầu tư cần nhiều hơn ở Vũ Quang, ông Huệ đề nghị Hà Tĩnh cân đối thu - chi năm 2020 để bố trí cho huyện phát triển mạnh hơn nữa.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, thông qua đề án phát triển kinh tế - xã hội, sinh kế các xã miền núi, biên giới khó khăn sẽ góp phần tổng hợp và huy động nguồn lực để phát triển các vùng này.

Về xử lý vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường ở nông thôn, ông Huệ bày tỏ vấn đề khó khăn không phải là công nghệ mà là do yêu cầu các nhà máy đốt rác phải đi kèm chức năng phát điện nên còn “vướng” quy hoạch điện năng ở Tổng sơ đồ điện VII. Sắp tới, Chính phủ sẽ sửa đổi chính sách để đẩy nhanh việc đầu tư và vận hành các dự án nhà máy xử lý rác thải, trong đó có cả ở khu vực nông thôn.

Đọc thêm