Dân tin thì mới nói

(PLO) - Chuẩn bị cho Kỳ họp Quốc hội lần thứ 4, khóa XIV sắp tới, các cuộc tiếp xúc cử tri tại các địa phương đang được tiến hành. Và, nếu là các cuộc tiếp xúc cử tri sau mỗi kỳ họp là báo cáo kết quả, truyền đạt nghị quyết thì những cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp là lắng nghe dân nói, tiếp thu các ý kiến đóng góp và tâm tư, nguyện vọng của họ để tiếng nói nhân dân có thể vang đến nghị trường.

Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng vừa có cuộc tiếp xúc cử tri với 2 quận thuộc thành phố và lập tức, trên diễn đàn truyền thông đã truyền đi những thông điệp của lòng dân, của những gì người dân thành phố này mong muốn ở cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước đối với các vấn đề ở địa phương và cả nước.

Có thể nhận thấy nét chủ đạo trong các ý kiến cử tri là họ buồn trước sự cố hai lãnh đạo cao nhất của thành phố bị kỷ luật. Họ buồn vì thành phố “đáng sống” của họ không còn được như trước nữa và đáng buồn hơn khi câu hỏi của họ đặt ra mà chưa có câu trả lời thích đáng là lãnh đạo thành phố sai phạm như vậy thì “vai trò của Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội ở đâu?”. Hỏi mà như quy trách nhiệm!

Tiếp tục là một thái độ bức xúc trước hiện tình đáng lo ngại của thành phố khi đang bị đặt vào “tầm ngắm” của những cuộc điều tra và thanh tra. Cử tri thẳng thắn yêu cầu công khai những dự án và các thương vụ bán nhà đất công sản đang bị Công an điều tra và còn thẳng thắn hơn là đề nghị ông Bí thư Thành ủy trả lại 2 căn nhà mà một doanh nghiệp đã biếu tặng, quyết liệt hơn còn đòi hỏi làm rõ danh tính và động cơ, mức độ tác động của doanh nhân đã biếu tặng đó.

Dù những cung bậc tình cảm của cử tri Đà Nẵng buồn bã hay bức xúc, thẳng thắn hay quyết liệt thì cũng bộc lộ một sự thật rằng họ tâm huyết với nơi mình sống và tin tưởng vào những người mà họ đã bầu ra. Chỉ riêng điều này thôi, cũng đã chứng tỏ rằng họ là những công dân của một thành phố “đáng sống” rồi. Đó là biểu hiện đích thực của dân chủ! Và, tạo ra được tinh thần dân chủ đó không phải nhất thời mà đó là kết quả của một quá trình.

Mặt khác, thể hiện thái độ tôn trọng dân chủ là những đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri. Họ lắng nghe, để cử tri nói hết nỗi lòng mình và sau đó trả lời, giải thích trong phạm vi trách nhiệm của mình. Thái độ khiêm cung đó có thể thấy ở ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đà Nẵng khi ông bộc bạch trước cử tri về hoạt động giám sát là “vừa làm, vừa học”.

Dân tin thì dân mới nói. Tạo điều kiện cho họ “mở miệng” ( từ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) thì chính là thực hành dân chủ và tránh các hệ lụy của sự “tự phát” trong dân như chặn đường quốc lộ để bày tỏ thái độ của mình. Đây là một dịp tốt để các Đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước thực hiện quyền dân chủ của cử tri và mang tâm nguyện đó đến nghị trường. 

Đọc thêm