Đào đường để chống dịch là việc làm tiêu cực

(PLVN) - Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á (Hà Nội) cho rằng, việc một số địa phương đào đường, làm rào chắn để ngăn chặn không cho người và phương tiện của tỉnh khác, huyện khác vào địa bàn của mình là việc làm tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế vào giao thương của toàn xã hội, cần phản đối. 
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật.
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật.

Đánh giá cao những biện pháp được nêu ra tại Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cáp bách phòng, chống dịch Covid-19 (Chỉ thị 16), Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật nhận định, Chỉ thị 16 không phải là một văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) mà chỉ có tính chất gợi ý cho các chủ thế khác làm như thế nào trong việc ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Covid-19. 

Tức là để cho các tỉnh, thành và các cơ quan khác tự vận dụng tinh thần của Chỉ thị để thực hiện. Còn các địa phương, các bộ, ngành làm như thế nào thì họ phải ban hành văn bản quản lý của từng địa phương, bộ, ngành- khi đấy mới là văn bản QPPL và được áp dụng nhiều lần.

Trong tình thế cấp thiết, việc dùng văn bản này là nhanh nhất. Tuy nhiên, cách áp dụng của một số địa phương lại rất lúng túng, thậm chí cực đoan. Đơn giản là nếu xử phạt hành chính việc người dân di chuyển ra đường sẽ không đúng pháp luật, vì như tôi đã nói, Chỉ thị 16 không phải là văn bản QPPL, chỉ mang tính chất khuyến cáo, hướng dẫn, khuyến nghị…

 Cũng vì có nhiều cách hiểu về khái niệm “cách ly toàn xã hội” trong Chỉ thị 16 mà nhiều địa phương đã có cách làm máy móc. Vì vậy, ngay sau đó Văn phòng Chính phủ đã phải có văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này một cách thống nhất.

-Vâng, thưa Luật sư, tại văn bản hướng dẫn này, Thủ tướng đã yêu cầu “bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16”.

Nhưng mới đây, một số địa phương lại lập các chốt kiểm soát trên các tỉnh lộ, quốc lộ để kiểm tra các phương tiện và người dân đi lại (nếu có ý định vào địa bàn mình quản lý). Đây có phải là việc làm máy móc? Họ có quyền làm việc này không, thưa Luật sư?

Phải hiểu rằng, đây không phải là trạm kiểm soát hàng hóa hay trạm ngăn cản người dân đi lại, mà là trạm để kiểm soát y tế. Tức là tất cả các phương tiện đi qua đều được khử trùng, tẩy trùng và do thân nhiệt, nắm bắt thông tin dịch tễ của từng người… Nếu làm theo đúng tinh thần như thế thì không sai.

Còn nếu lập các trạm kiểm soát để yêu cầu người và các phương tiện của các tỉnh khác quay về địa phương của họ là không có căn cứ pháp lý.

-Vậy ông đánh giá thế nào trước việc làm trên của một số địa phương?

Tôi nghĩ, đó là việc làm tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế vào giao thương của toàn xã hội, cần phản đối. Việc làm này mang tính kỳ thị, phân biệt đối xử với những người từ vùng dịch. 

Chúng ta chỉ nên áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mà các cơ quan chức năng đã khuyến cáo, như bắt buộc phải đeo khẩu trang, khử trùng phương tiện, hạn chế ra ngoài nếu không thực sự có việc cần thiết…. chứ không thể cấm hoàn toàn người dân ra đường. Yêu cầu phải tự cách ly bản thân mình ra khỏi xã hội là không nên, không đến mức phải làm như vậy.

Trân trọng cám ơn Luật sư.

Đọc thêm