Đấu tranh vì lòng tin

(PLO) - Những ngày qua “Đại án Oceanbank” được đưa ra công đường. Đây là một trong 6 đại án kinh tế, tham nhũng được Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương yêu cầu đưa ra sớm xét xử, muộn nhất là trong quý 1/2017. Phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm đang tiếp tục với phần xét hỏi.
Đấu tranh vì lòng tin

Kết quả điều tra cho thấy, bằng các thủ đoạn thành lập các công ty sân sau, Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để rút tiền của ngân hàng, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.

Dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều nhẽ. Trước hết là xem xem quyết tâm chống tham nhũng của Đảng thể hiện qua các “đại án” này như thế nào, sau nữa là quá “xót ruột” vì tiền của đất nước bị thất thoát quá lớn.

Qua theo dõi càng cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng vô cùng khó khăn, phức tạp. Cách đây 2 hôm, ngày 6/3, Hội đồng xét xử đã cho bị cáo đối chất trực tiếp với những người mà họ khai đã trực tiếp đưa tiền lãi ngoài. Tại tòa, bị cáo Nguyễn Trà My khai đã 3 lần chuyển số tiền hơn 11 tỷ đồng cho Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP); 3 lần chuyển tổng số gần 3 tỷ đồng cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower)...Tất nhiên, các đại diện PVEP, PVPower... trả lời ráo hoảnh như không: “Rất ngạc nhiên vì không quen biết chị Trà My”. Tóm lại là phủi tay.

Tài liệu điều tra xác định, trong thời gian từ năm 2011- 2014, có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Oceanbank chi trả. Các khoản tiền ngoài lãi suất huy động mà Oceanbank chi cho các cá nhân, tổ chức kinh tế này xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của Thắm và các đồng phạm. Những kẻ “ăn lộc” từ Hà Văn Thắm rất nhiều, không chỉ có hai đại diện nêu trên.

Để buộc bọn tội phạm và những kẻ “dây máu chia phần” trong vụ “đại án Oceanbank” nhận tội tâm phục, khẩu phục không hề đơn giản. Thực tế là, đối tượng tham nhũng  trong vụ đại án này là người có chức, quyền, nhận thức sâu rộng, am hiểu pháp luật, được tiếp cận nhiều thông tin, có điều kiện kinh tế, có quan hệ rộng... nên rất khó phát hiện, xử lý.

Họ không từ một thủ đoạn nào để “lấp liếm” nếu cơ quan xét xử không đủ chứng cứ buộc tội. Suy cho cùng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh giữa văn hóa và phi văn hóa. Văn hóa ở đây là vì một đất nước tiến bộ, phát triển, phi văn hóa ở đây là ăn cắp và dối trá.

Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: “Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”.

Đó là cuộc đấu tranh vì lòng tin, công lý và văn hóa!

Đọc thêm