Đầu tư Dự án BOT giao thông: Xử lý bình tĩnh, đúng quy định những bất cập

(PLVN) - Sáng 25/11, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý bất cập ở các dự án BOT giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải xử lý bình tĩnh, đúng quy định của pháp luật, thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, thẩm quyền, nghiên cứu xem xét bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. 
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp ngày 25/11.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp ngày 25/11.

Dừng thu phí nếu 31/12/2020  chưa vận hành trạm thu phí tự động 

Dự án thu phí không dừng là thêm một kênh giám sát thu phí, giúp cơ quan nhà nước tăng cường kiểm soát các đơn vị BOT thu phí chính xác, minh bạch, việc đầu tư theo đúng hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Theo kế hoạch, các dự án BOT sẽ lắp đặt xong hệ thống thu phí không dừng vào cuối năm nay. 

Sau khi nghe báo cáo của Bộ GTVT, ý kiến của các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, đơn vị liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc thu phí không dừng góp phần bảo đảm minh bạch, quản lý tốt doanh thu. Đến nay, cơ bản các trạm BOT đã lắp đặt thu phí không dừng, chỉ còn lại một số trạm nên cần cố gắng hơn nữa mặc dù có những khó khăn khách quan.

Thủ tướng hoan nghênh một số nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng đã rất quyết tâm triển khai trong thời gian qua và nêu rõ, Bộ GTVT phải chỉ đạo các nhà đầu tư dự án thu phí tự động quyết liệt đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị thu phí tại các trạm theo đúng kế hoạch, bảo đảm đến ngày 31/12/2020 đưa vào hoạt động đồng bộ trên cả nước. 

Đi liền với đó, các nhà đầu tư BOT khẩn trương phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để lắp đặt thiết bị thu phí tự động. Trường hợp đến ngày 31/12/2020 mà chưa vận hành trạm thu phí tự động thì Bộ GTVT quyết định dừng hoạt động thu phí theo đúng quy định của pháp luật. Đối với một số trạm mà Bộ GTVT dự kiến chưa thực hiện thu phí không dừng, yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá chặt chẽ, toàn diện, đề xuất giải pháp, trong đó làm rõ căn cứ pháp lý, thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh việc dán thẻ đầu cuối 

Bộ GTVT cũng phải chỉ đạo đẩy mạnh công tác dán thẻ đầu cuối đối với phương tiện tham gia giao thông, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và chủ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (hiện có hơn 3,8 triệu ô tô và mỗi năm thêm 500 nghìn ô tô). Nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng phải bảo đảm an ninh, an toàn, thuận lợi cho các phương tiện.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các đơn vị quản lý dự án BOT và nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng trích xuất dữ liệu tại các trạm thu phí không dừng để xử phạt các phương tiện không dán thẻ thu phí tự động nhưng đi vào làn thu phí tự động, gây cản trở giao thông; cung cấp thông tin xử phạt cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp, lên án các hành vi sai trái.

Đối với đầu tư BOT giao thông, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng rất lớn. Trước những bất cập hiện nay thì phải xử lý bình tĩnh, đúng quy định của pháp luật, thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, thẩm quyền, nghiên cứu xem xét bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. 

Riêng một số vướng mắc của dự án BOT giao thông, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc thực hiện theo đúng hợp đồng BOT đã ký. Đối với dự án thực sự khó khăn do yếu tố khách quan, Bộ GTVT xem xét kỹ lưỡng từng trường hợp, báo cáo Chính phủ để có biện pháp giải quyết. Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an và UBND các địa phương trong cả nước bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gây rối, làm mất an ninh trật tự.

Đọc thêm