Đẩy mạnh đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội

(PLVN) - Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, thời gian qua việc quán triệt, triển khai cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) đã được triển khai đúng hướng, đạt được nhiều kết quả quan trọng song cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Đại tá Dương Chí Diễn -Phó Tư lệnh Binh đoàn 16 tặng quà cho các gia đình chính sách xã Đăk Ngo huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông.
Đại tá Dương Chí Diễn -Phó Tư lệnh Binh đoàn 16 tặng quà cho các gia đình chính sách xã Đăk Ngo huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông.

Vướng mắc khi chuyển đổi thành đoàn kinh tế quốc phòng

DNQĐ là lực lượng nòng cốt của quân đội, thực hiện nhiệm vụ sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời sản xuất sản phẩm phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP), bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 12, Hội nghị TƯ 5 khoá 12 của Đảng về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN quân đội đến năm 2020. Bộ Chính trị cũng ban hành Kết luận 16 về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021. Việc cơ cấu, sắp xếp lại các nhà máy, DNQĐ phải trên cơ sở phục vụ nhiệm vụ QS, QP. 

Trong đó, trọng tâm là thực hiện sáp nhập, cơ cấu lại các DN thực hiện nhiệm vụ QS, QP có cùng ngành nghề; cổ phần hóa, thoái vốn triệt để đối với DN thương mại, xây dựng, dịch vụ, DN không hoặc ít có nhiệm vụ QS, QP; giải thể, phá sản đối với các DN không đủ điều kiện cổ phần hóa hoặc không cổ phần hóa được v.v. 

Đến nay, các ngành, đơn vị, DN theo nhiệm vụ được giao đã xây dựng cơ bản đề án sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, hình thành các tổng công ty; phương án chuyển đổi sang hoạt động với cơ chế đoàn kinh tế - quốc phòng (KTQP) và đang tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Hoàn thành điều chỉnh, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại 03 công ty cổ phần, thoái vốn tại 01 công ty cổ phần thuộc Tổng cục Hậu cần. Theo đó, sẽ thu hẹp dần hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, xử lý các tồn đọng về tài chính, tiến tới chỉ hoạt động là các đoàn KTQP làm nhiệm vụ xây dựng các khu KTQP, với mục tiêu hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, đảm bảo cuộc sống trong vùng dự án.

Chuyển đổi theo mô hình đoàn KTQP có các Binh đoàn 15, 16 và Công ty Cà phê 15. Đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng cho biết, đến nay các đơn vị trên đã trồng, khai thác, thu hoạch hơn 47.000ha cao su, 5.290ha cà phê; thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 16.100 công nhân, người lao động; chủ động phối hợp với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tuần tra bảo vệ biên giới, giúp bà con địa phương vùng Tây Nguyên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, những năm qua, do giá cao su thế giới và các loại nông sản giảm sâu, cộng với tổ chức biên chế chưa hợp lý đã khiến tình hình tài chính của Binh đoàn 15, 16 gặp nhiều khó khăn.

Giải quyết những “nút thắt” bằng cách nào?

Mục tiêu cuối cùng và cao nhất của cơ cấu lại, đổi mới là làm cho DNQĐ mạnh lên, hoạt động có hiệu quả, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển và nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới. Theo Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, để giải quyết các “nút thắt” khi thực hiện Đề án cần 4 giải pháp. 

Cùng với đẩy mạnh thực hiện các khâu, bước cơ cấu lại, cần đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ QS, QP của DN, tránh hình thức, chạy theo quy mô thuần túy, sáp nhập cơ học, đơn thuần.

Theo đó, các đơn vị, DNQĐ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, thiết chế DN, chiến lược phát triển, chiến lược sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường; đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết theo đúng quy định của pháp luật, v.v.

Đặc biệt, tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, phù hợp với mô hình hoạt động, đặc thù quân sự, quốc phòng và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. 

Thời gian qua, những bất cập về cơ chế, chính sách, quy chế, quy định... đã gây không ít khó khăn cho thực hiện sắp xếp, đổi mới của các DNQĐ. Đối với việc chuyển đổi theo mô hình đoàn KTQP của các Binh đoàn 15, 16 và Công ty Cà phê 15, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng các kiến nghị của Bộ Quốc phòng về cơ cấu lại các đơn vị này chưa bảo đảm các yêu cầu của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và các nghị định liên quan của Chính phủ.

Trước thực tế đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, đẩy mạnh rà soát, nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và kiến nghị Chính phủ bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chế độ, chính sách liên quan đến vấn đề này, phù hợp với quy định của Nhà nước, nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới theo chủ trương, lộ trình đã xác định..

Đọc thêm