ĐBQH chỉ ra 'quan niệm hết sức sai lầm trong giáo dục'

(PLO) - Cho ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng nay, 15/11, đại biểu Quốc hội (ĐB) Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) chỉ ra một số vấn đề trong chương trình sách giáo khoa hiện nay.
ĐB Cao Đình Thưởng.
ĐB Cao Đình Thưởng.

Đề cập đến chất lượng và phương pháp dạy học, ĐB Thưởng cho rằng, hiện nay chất lượng dạy học còn chưa cao, rất chậm đổi mới, nhẹ dạy kỹ năng sống, đào tạo làm người và hướng nghiệp. Chương trình sách giáo khoa (SGK) hiện quá nặng, khó tiếp thu. 

“Chúng ta hình như đang phức tạp hóa vấn đề đơn giản, ví dụ học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc, biết viết; học sinh trung học chỉ cần học kiến thức phổ thông nhưng hiện nay chúng ta đang hàn lâm hóa những kiến thức đó và những điều rất đơn giản trở thành rất phức tạp, rối rắm nên học sinh rất khó tiếp thu”, ĐB nói.

Theo vị ĐB Phú Thọ, vấn đề này có một phần nguyên nhân xuất phát từ người lớn. “Người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhét vào đầu óc non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành gánh nặng, áp lực quá lớn, một bộ phận không nhỏ trẻ sợ học, không thích học và chán học. Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành “con nhà người ta” nên bắt các cháu phải giỏi, giỏi toàn diện một cách quá sức, dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực và sở trường của trẻ em. Tôi cho rằng không thể bắt trẻ học để trở thành “ông nọ, bà kia” khi các cháu không thích, không đủ năng lực. Thử hỏi đã mấy học sinh giỏi văn quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn”, ĐB nói và cho rằng cần dạy và định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân một cách hợp lý nhất.

Về chương trình SGK, ĐB Thưởng cho rằng cần rà soát và điều chỉnh kỹ lưỡng. Theo ĐB, cử tri và nhiều giáo viên, phụ huynh muốn cả nước có một chương trình SGK thống nhất bởi nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, còn lại là sách tham khảo, sách nâng cao.

Bên cạnh đó, ĐB Thưởng cũng cho rằng SGK phải được kiểm soát, thẩm định hết sức chặt chẽ, nội dung SGK phải tinh gọn, mang bản sắc Việt Nam và hiện đại theo chuẩn quốc tế; chương trình phổ thông phải nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học.

“Đặc biệt, tôi cho rằng người viết SGK phải thực sự giỏi, am hiểu sâu sắc về nội dung, chương trình và tâm lý sư phạm. Nên chăng phát động cuộc thi viết SGK trong giáo viên phổ thông để SGK không bị hàn lâm hóa, giáo sư hóa, tiến sỹ hóa?”, ĐB đặt vấn đề.

Vẫn theo ĐB Thưởng, nếu quá nhiều bộ SGK thì sẽ rất khó quản lý, khó lựa chọn, khó dạy thống nhất và rất dễ dẫn đến loạn SGK, lúc đó giáo dục sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, hậu quả là khôn lường.

Còn ĐB Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) trăn trở về việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Theo ĐB, hiện nay ngân sách nhà nước luôn giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn, việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục vẫn còn nhiều bất cập. Thời gian qua, một trong những thay đổi trong chính sách đầu tư cho giáo dục là bỏ quy định đóng góp quỹ xây dựng trường bắt buộc và thay bằng chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Theo nhận định của ĐB Hiền, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, trách nhiệm của xã hội về sự nghiệp giáo dục tăng lên, huy động được nhiều tập thể, cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục, huy động được nhiều nguồn lực cho việc xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất của nhà trường.

Song, thực tế cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực thì hoạt động này cũng cho thấy điều đáng băn khoăn là quan điểm và quá trình triển khai xã hội hóa giáo dục tại một số địa phương vẫn còn nhiều ý kiến và cách làm khác nhau, nhất là tình trạng lạm thu trong trường học, nhất là vào thời điểm đầu năm học mới, vẫn xảy ra ở một số địa phương, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và dư luận xã hội dù cơ quan quản lý và cơ quan chức năng đã vào cuộc, có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, có những hình thức kỷ luật.

ĐB Hiền cũng cho biết, qua phản ánh của cử tri cho thấy có hiện tượng cào bằng trong xã hội hóa giáo dục, có tình trạng chênh lệch giữa các vùng miền.

Do vậy, ĐB cho rằng dự thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật quy định để điều chỉnh sự chênh lệch trong thực hiện xã hội hóa giáo dục giữa các vùng, các miền đồng thời có các chế tài và cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn thu và sử dụng nguồn lực xã hội hóa.

Đọc thêm