ĐBQH mang thuốc lá lậu vào hội trường chất vấn lực lượng chức năng

(PLO) -Giơ túi thuốc lá lậu vừa mua được, ĐBQH đặt câu hỏi trực tiếp cho lực lượng chức năng ngay tại Hội trường Diên Hồng trong phiên thảo luận sáng nay.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương thảo luận tại hội trường. Ảnh: Q.H
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương thảo luận tại hội trường. Ảnh: Q.H

Sáng nay, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại, cho rằng tình trạng buôn lậu đang xảy ra rất sôi động trên biển, đất liền, gây thiệt hại rất lớn và chưa có thống kê.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương đã đưa ra minh chứng trực tiếp về vấn nạn này. Đơn cử về nạn buôn lậu thuốc lá mà bản thân chứng kiến trực tiếp từ chuyến đi thực tế một số tỉnh phía Nam, ông Cương phản ánh, tại khu vực ngã ba thị trấn Châu Đốc (An Giang) xe máy chở thuốc lá lậu đi thành từng nhóm, chạy với tốc độ kinh hoàng.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương đem đến nghị trường một gói lớn đựng nhiều bao thuốc lá lậu mua được ở An Giang. Ông cho biết: trong 3 ngày đi thực tế tại đây, ông không hề thấy bóng dáng của lực lượng chống buôn lậu ở điểm nóng này.

ĐB thẳng thắn: “Tôi không phủ nhận nỗ lực và những kết quả đã đạt được của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế là muốn mua thuốc lá gì cũng có. Nếu lực lượng chức năng không đẩy mạnh chống tiêu cực thì buôn lậu còn gia tăng”. 

Cũng liên quan đến thuốc lá, ông Cương băn khoăn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá lại đang có hiệu ứng ngược, thực chất là “kích cầu cho thuốc lá lậu”, khi giá thuốc sản xuất trong nước 10.000 đồng một bao thì giá thuốc lá lậu chỉ 4.000 đồng. 

Ngay sau khi ĐB Nguyễn Sỹ Cương phát biểu, ĐB  Mai Thị Ánh Tuyết - nguyên Giám đốc Sở Công Thương An Giang, cho rằng, “thực tế đại biểu Cương phản ánh chỉ mang tính nhất thời ở một thời điểm”. bà cho biết, An Giang vào mùa nước nổi , với đặc điểm biên giới dài hơn 120 km nên việc kiểm soát, kiểm tra và chống buôn lậu thuốc giá thời điểm này gặp nhiều khó khăn. “Các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh vẫn đang kiểm soát, kiểm tra ngày đêm”, ĐB tỉnh An Giang khẳng định. 

Trước đó, mở đầu phiên thảo luận, ông Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La) bày tỏ tin tưởng rằng với các nhóm giải pháp toàn diện mà Chính phủ đưa ra, tăng trưởng năm nay sẽ đạt mục tiêu là 6,7%. ĐB đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, đại biểu này lưu ý đến sự cần thiết phải ứng phó với các biến đổi trên thị trường, giảm nhẹ thiên tai,...

Theo ĐB, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo phòng chống thiên tai, vừa lo xây dựng vừa lo giữ gìn thành quả đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Về số liệu tăng trưởng, ĐB Quốc hội Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng con số báo cáo không hợp lý, các quý cuối năm thường tăng đột biến. Tốc độ tăng trưởng GDP rất thần kỳ ở quý 3 và 4 dù khá thấp ở 2 quý đầu năm.

Ông Hàm đề nghị chính phủ làm rõ và khắc phục ngay tình trạng này để đảm bảo tăng trưởng thực chất và hiệu quả.

ĐB kiến nghị một số giải pháp cụ thể để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, trong đó có ưu tiên giảm bội chi, đẩy mạnh tinh giản biên chế, giữ vững an toàn nợ công, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn, tăng vốn đầu tư cho hai dự án làm đường cao tốc Bắc Nam và xây sân bay Long Thành, đẩy nhanh cơ chế tự chủ, khoán chi không thường xuyên, ưu tiên giảm bội chi trả nợ, cắt giảm phát hành trái phiếu,...

Liên quan đến vấn đề FDI, ĐB Phạm Trọng Nhân cho rằng sự đóng góp của đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế là đáng ghi nhận, nhưng sau “cơn địa chấn thu hút FDI” là nỗi lo. Ông Nhân phân tích, 25 năm qua, khu vực FDI từ chỗ đóng góp 2% GDP năm 1992 lên 20% năm 2016, giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động và góp bình quân thu nhập đầu người hơn 2.000 USD... Nhưng khu vực này chỉ góp vào ngân sách 15-17%.

Theo ông, cả nước có 50 doanh nghiệp FDI kê khai lỗ và càng lỗ lại càng mở rộng sản xuất. Dẫn số liệu từ Oxfarm, ông Nhân nói mỗi năm các quốc gia nghèo (trong đó có Việt Nam) thất thoát 170 tỷ USD tiền thuế do một nửa giá trị thương mại phải "ở lại" những thiên đường thuế vì ý đồ tránh, trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Ngoài ra, 80% khoản thu của doanh nghiệp ngoại được nộp về chính quốc, chỉ 20% số này góp vào thuế thu nhập doanh nghiệp song với số doanh nghiệp báo lỗ lớn thì “số thu này gần như bằng không”. 

Ông Nhân nhận định: Doanh nghiệp ngoại có nhiều ưu đãi, trong khi doanh nghiệp trong nước lại đứng trước hàng loạt rào cản. “Nếu không đơn giản hoá thủ tục hành chính, muc tiêu có một triệu doanh nghiệp thành lập mới vào năm 2020 chỉ có ý nghĩa về mặt con số”, ông nói và kiến nghị, không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá mà phải chọn lọc, đưa ra cam kết chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hoá chặt chẽ hơn với doanh nghiệp FDI.

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này. Nội dung cuộc thảo luận sẽ kéo dài đến hết sáng 2/11.

Đọc thêm