ĐBQH nói thế nào về đề xuất nâng trình độ chuẩn nhà giáo?

(PLVN) - “Nâng cao trình độ người thầy là điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, từ thực trạng hiện nay cần tính toán lại tính khả thi và các tác động tiêu cực của quy định này, thậm chí dễ bị lạm dụng”. Đó là đề nghị của Đại biểu Quốc hội (ĐB) khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) diễn ra hôm qua (21/5). 
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường.

Chỉ tiêu tuyển sinh cần dựa trên nhu cầu thực tế

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cần có chính sách ưu tiên đối với sinh viên học Đại học sư phạm như với các trường Đại học công an, Đại học quân sự, nhưng với điều kiện điểm sàn phải rất cao so với các ngành khác chứ không phải ngang các ngành khác như hiện nay.

Theo ĐB Hòa, sinh viên ra trường có Bằng giỏi cần được tuyển thẳng vào ngành. Tốt nghiệp suất sắc, giỏi sẽ được hưởng mức lương cao hơn 1 bậc so với các trường hợp khác. Như vậy mới có học sinh giỏi tranh nhau vào ngành Sư phạm, giống như vào các trường Đại học Y, Dược, Công an, Quân sự.

Đồng quan điểm, ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu ý kiến của ĐB Hòa. Theo đó, thực hiện chế độ đối với sinh viên và nhà giáo như những ngành công an, quân đội. Tuyển sinh đầu vào có sơ tuyển, coi trọng tiêu chí hạnh kiểm, đạo đức và học lực. Cùng với đó, chỉ tiêu tuyển sinh cần được xác định trên cơ sở nhu cầu thực tế, sinh viên ra trường được bố trí công tác, được đãi ngộ xứng đáng, giáo viên có thể có mức sống cao từ đồng lương của mình, từ đó yên tâm công tác, cống hiến.

Nên kéo dài thời gian chuẩn hóa giáo viên 

Đối quy định nâng trình độ chuẩn nhà giáo, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) kiến nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc lại khi quy định trình độ chuẩn nhà giáo đối với giáo viên Mầm non, có Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên, còn đối với giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông có Bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Đối với môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo ở trình độ Đại học sư phạm thì có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

ĐB Giang cho rằng quy định trên chưa phù hợp với chủ trương tuyển dụng, trọng dụng người có tài năng và đội ngũ viên chức là nhà giáo. Đặc biệt, thời gian gần đây, các trường sư phạm rất khó thu hút số lượng người học, cũng như chuẩn đầu vào của các trường sư phạm rất thấp. “

Vấn đề quan trọng là khi người được tuyển dụng vào, khi chưa có nghiệp vụ sư phạm thì cần được bồi dưỡng với một chương trình phù hợp mà không chỉ giao cho các trường sư phạm đào tạo giáo viên giáo dục phổ thông. Trên thực tế một số ngành hiện nay chỉ tuyển người được đào tạo tại các trường đặc thù, như công an, quân đội”, ĐB Giang nêu quan điểm.

Lấy dẫn chứng từ thực tế, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) khẳng định, nếu Chính phủ không quy định lộ trình thực hiện chuẩn hóa đối với giáo viên, khi Luật này có hiệu lực sẽ có hàng vạn giáo viên không đạt chuẩn.

“Ai cũng biết nâng cao trình độ người thầy là điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, từ thực trạng hiện nay cần tính toán lại tính khả thi và các tác động tiêu cực của quy định này, thậm chí dễ bị lạm dụng”, ĐB Vượt nêu ý kiến và đề nghị Dự thảo luật cần tính toán kéo dài thời gian, thậm chí là 10 năm, để chuẩn hoá số lượng lớn giáo viên, đồng thời có quy định việc tuyển giáo viên mới từ các năm học sau phải đạt chuẩn. 

Tán thành về lộ trình nâng chuẩn trình độ nhà giáo, ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng đây là điều cần thiết và nên giao Chính phủ quy định thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở để không làm xáo trộn, ảnh hưởng công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, thời gian áp dụng của quy định trình độ đạt chuẩn của nhà giáo vào năm 2030 để có thêm thời gian cho giáo viên chưa đạt chuẩn đi học.

Ngoài ra, quy định về độ tuổi đi học cũng được nhiều ĐB cho ý kiến. Điều 28 Dự thảo luật quy định độ tuổi vào lớp 1 là 6 tuổi, vào lớp 6 là 11 tuổi, vào lớp 10 là 15 tuổi. Tuy nhiên, đối với những trường hợp phát triển sớm về trí tuệ thì có thể học sớm. Đối với học sinh học trễ, tuổi cao hơn thì chia thành 6 trường hợp: học sinh người dân tộc thiểu số; học sinh khuyết tật, kém phát triển; học sinh mồ côi, không nơi nương tựa; học sinh hộ nghèo; học sinh người nước ngoài về nước; học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng những đối tượng không nằm trong những trường hợp này, mà là con của phụ huynh ở điều kiện tốt, không khó khăn, như ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh nếu muốn học nhưng đã qua tuổi cũng không thể vào trường được. Hay con em đang mắc bệnh phải điều trị, bỏ dở qua năm sau mới được vào lớp 1, lớp 6, lớp 10.

“Nếu theo luật này thì không thể học được trong điều kiện không phải là vùng khó khăn”, ĐB Tuấn nhấn mạnh và đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa lại theo hướng: hơn tuổi nhưng có lý do chính đáng vẫn được học. 

Cùng quan điểm, ĐB Bùi Văn Phương đề nghị Dự thảo luật nên quy định độ tuổi vào lớp một là không dưới 6 tuổi, vào lớp 6 không dưới 11 tuổi và vào lớp 10 không dưới 15 tuổi bởi trên tuổi là việc bình thường, còn việc học là suốt đời....

Cũng trong ngày hôm qua, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Kiến trúc. Đa số các ĐB cho rằng, việc xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc đối với các công trình kiến trúc là hết sức quan trọng. Tuy nhiên do quy định bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi phải có sự am hiểu sâu sắc, chuyên về văn hóa dân tộc, phù hợp với các vùng miền.
Chính vì thế các ĐB đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý theo hướng giao cho Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp xây dựng và quy định văn hóa bản sắc dân tộc để đảm bảo tính thống nhất.

Đọc thêm