ĐBSCL: Cần hoàn thiện cơ chế phát triển vùng kinh tế trọng điểm

(PLO) - Hôm qua (21/8), tại TP.Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức Hội thảo Phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và đại diện lãnh đạo các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, đa số ý kiến đại biểu cho rằng giai đoạn 2011-2015, Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đã đạt được những kết quả đáng mừng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. ĐBSCL đã đóng góp gần 16% GDP cả nước. 
Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước cho địa phương chỉ chiếm 10% tổng chi đầu tư cả nước, thấp nhất trong các vùng khác. Kết cấu và quy mô vùng còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững, không có sản phẩm đặc trưng vùng; năng lực cạnh tranh chưa cao. 
Ngoài TP.Cần Thơ, các tỉnh còn lại thu ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu; xây dựng nông nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết được chuỗi giá trị cho nông sản; môi trường và cơ chế chính sách đầu tư chưa thu hút được vốn đầu tư (số vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 5% so với cả nước). 
Bên cạnh đó, kết cấu cơ sở hạ tầng Vùng còn yếu và thiếu, chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với cả nước (lao động qua đào tạo 45,72% so với bình quân cả nước). 
Được biết, mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2020, khu vực ĐBSCL đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 10,5%/năm; GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 10,3 tỷ USD. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 9.300 USD, tỷ trọng khu vực phi công nghiệp trong cơ cấu kinh tế gần 90%. 
Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế như đã đề ra, các đại biểu tham gia hội thảo đã đề xuất một số giải pháp cụ thể trên cơ sở định hướng phát triển vai trò, vị trí của vùng. Trong đó, cần hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường liên kết vùng… 
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: ĐBSCL được xác định là Vùng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Đây là vùng có nhiều thế mạnh về sản lượng lúa, trái cây, thủy sản so với cả nước. 
“Trong thời gian tới, cần lựa chọn sản phẩm theo thế mạnh của mỗi địa phương, nhưng phải gắn với thị trường trong nước và thế giới; phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần ứng phó với biến đổi khí hậu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ. Thêm vào đó, cần sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn nhằm tạo ra giá trị năng suất cao; liên kết vùng với nhau, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của Vùng”…
Tại Hội thảo, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, BIDV cam kết tăng tổng dư nợ tín dụng tại khu vực ĐBSCL từ 30-35 nghìn tỷ đồng hiện nay lên 115 nghìn tỷ vào năm 2018 (tăng 3,2 lần so với năm 2015) và 160 nghìn tỷ vào năm 2020 (tăng 4,6 lần) chiếm 16,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn khu vực ĐBSCL. 
Đối với các dự án trọng điểm của vùng, BIDV cam kết dành 10-15 nghìn tỷ để triển khai dự án kênh Quan Chánh Bố, kênh Chợ Gạo; dành 12-15 nghìn tỷ cho triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, phát triển huyện đảo Phú Quốc.
BIDV đã ký Thoả thuận với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ GTVT nghiên cứu hình thức đầu tư công - tư để triển khai các dự án với tổng giá trị các Thoả thuận hợp tác là 2.509 tỷ đồng… /.

Đọc thêm