Đe dọa khủng bố, tăng trưởng chậm bao trùm Diễn đàn Davos

(PLO) - Một loạt vụ tấn công do các phần tử cực đoan tiến hành và những nguy cơ đang ngày càng gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu là những vấn đề phủ bóng lên Diễn đàn kinh tế thế giới khai mạc ngày 20/1 tại Davos, Thụy Sỹ.
Cảnh sát Thụy Sỹ làm nhiệm vụ trong thời gian diễn ra Diễn đàn. Ảnh: AFP
Cảnh sát Thụy Sỹ làm nhiệm vụ trong thời gian diễn ra Diễn đàn. Ảnh: AFP
Theo AFP, Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 46 có chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Theo các nguồn tin, dự Diễn đàn năm nay sẽ có hơn 2.500 đại biểu, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, các tỉ phú, đại diện của các viện nghiên cứu, các ngôi sao Hollywood như Leonardo DiCaprio. Diễn đàn năm 2016 sẽ diễn ra trong vòng 4 ngày, với hàng chục phiên họp. 
Trước thềm Diễn đàn, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã lên tiếng báo động về những rủi ro ở các nền kinh tế đang trỗi dậy lớn, đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm nay và đạt 3,6% trong năm 2017. Mức độ này vẫn cao hơn năm ngoái nhưng thấp hơn 0,2% so với ước tính đã được IMF đưa ra mấy tháng trước. 
Sự chững lại trong tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc cũng đã khiến không khí của Diễn đàn có phần chùng xuống. Theo các số liệu được đưa ra ngày 19/1, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2015 đã ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm trở lại đây. “Tôi cho rằng sự kiện quan trọng mà tất cả những người tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay đều chú ý đến là các diễn biến ở Trung Quốc và đặc biệt là việc tăng trưởng của nước này đang chậm lại” – Kinh tế trưởng của IHS Nariman Behravesh nhận định. 
Ông Behravesh cho rằng các vấn đề của Trung Quốc sẽ được thảo luận tại Davos, “nhưng họ sẽ không nói đến vấn đề này ở nơi công khai, mà sẽ nói ở hành lang”. Theo thông tin từ ban tổ chức, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden là diễn giả chính trong ngày 20/1, trong đó ông phác thảo quan điểm của ông về những thay đổi bất thường mà nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt. 
Theo Guardian, người đứng đầu Ngân hàng Thụy Sỹ UBS Axel Weber đã khiến cho sự lo lắng về triển vọng kinh tế toàn cầu ở Davos thêm phần nghiêm trọng với việc cảnh báo thế giới đang “mắc kẹt” trong thời kỳ tăng trưởng thấp. “Năm ngoái, dự báo của IMF đã thấp hơn 2% so với 3 năm trước. Đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang tiến tới một môi trường tăng trưởng thấp, nơi việc khôi phục lại tốc độ tăng trưởng từng đạt được trong quá khứ là gần như không thể” – ông Weber cảnh báo. 
Thách thức an ninh đang ngày càng gia tăng mà thế giới đang phải đối mặt thể hiện rõ nét ngay tại Davos, với việc các cảnh sát được trang bị súng máy đã được huy động để tiến hành tuần tra thường xuyên trên các tuyến phố và việc nhiều khối bê tông đã được đặt ở trước các địa điểm quan trọng.
Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu cũng là một chủ đề sẽ được thảo luận trong suốt các phiên họp của Diễn đàn Davos. Trong ngày 20/1, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven tham gia các cuộc tranh luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy sự hòa hợp của người di cư với người dân ở các nước bản địa, đặc biệt là sau hàng loạt vụ tấn công tình dục trước thềm năm mới ở Cologne, đe dọa chính sách dang tay đón nhận hàng trăm nghìn người di cư của Đức./.

Đọc thêm