Để mãi thiêng liêng “cõi Bác xưa”...

(PLO) - Dù là lúc còn sinh thời hay nay đã 45 năm Người đi về “thế giới người hiền”, căn nhà sàn, ao cá, vườn cây trong Phủ Chủ tịch vẫn thật sự thiêng liêng trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam bởi đây chính là “cõi Bác xưa” như nhà thơ Tố Hữu từng viết…
Hơn 50 triệu lượt khách trong và ngoài nước đã đến đây để hiểu thêm phong cách, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Bác Hồ
Hơn 50 triệu lượt khách trong và ngoài nước đã đến đây để hiểu thêm phong cách, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Bác Hồ
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong 15 năm, từ năm 1954 đến năm 1969. Nơi đây đã diễn ra những hoạt động sôi nổi của Bác trong giai đoạn đầy sóng gió, thử thách của cách mạng Việt Nam, là nơi Người dưỡng bệnh và trút hơi thở cuối cùng. 
Cũng tại nơi đây, Bác Hồ đã viết bản Di chúc lịch sử, để lại cho đời sau những lời căn dặn tâm huyết, tâm nguyện cả cuộc đời của Người. Khu di tích này cùng với bản Di chúc của Người đã trở thành di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Mỗi di tích, tài liệu, hiện vật đều chứa đựng nội dung lịch sử khác nhau, là minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Bác Hồ cho sự nghiệp cách mạng, hạnh phúc của nhân dân. 
Suốt 45 năm qua, công tác tuyên truyền và phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt này luôn được tập thể cán bộ, người lao động Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nỗ lực thực hiện để phát huy giá trị di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại. 
Góp phần giáo dục tư tưởng và tấm gương đạo đức Bác Hồ
Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công khẳng định: Nhiều thập kỷ qua, Khu di tích đã trở thành nơi hội tụ tình cảm, tấm lòng của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, khách quốc tế đến Việt Nam. 
Khu di tích mở cửa đón khách trong suốt 365 ngày trong năm, kể từ năm 1970 đến nay đã phục vụ và đón gần 50 triệu lượt khách, trong đó có khách của hơn 160 quốc gia, hàng trăm tổ chức quốc tế. 45 năm qua, công tác trưng bày và chỉnh lý trưng bày của Khu di tích đã có nhiều đổi mới trong nhận thức và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần phát huy giá trị của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch – Di tích đặc biệt của quốc gia. 
Cho đến nay, hầu hết các điểm di tích bất động sản tại Khu di tích đã và đang được mở cửa, phát huy tác dụng cùng với các di tích ngoài trời như vườn cây, ao cá, giàn hoa, ba chiếc xe ôtô đã phục vụ Bác Hồ lúc sinh thời… Tất cả đã và đang góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền giáo dục về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một di tích còn tương đối nguyên gốc, các di tích bất động sản, tài liệu, hiện vật và không gian cảnh quan tại đây về cơ bản vẫn được giữ gìn như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc. Để đáp ứng tình cảm của đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế, di tích nhà sàn đã được nghiên cứu trưng bày và phát huy giá trị đầu tiên trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Sau đó, di tích Nhà H67- nơi Bác Hồ chữa bệnh và qua đời cũng được nghiên cứu và trưng bày, phát huy tác dụng từ năm 1971. 
Nhà sàn – nơi Bác ở và làm việc rất đơn sơ, giản dị
Nhà sàn – nơi Bác ở và làm việc rất đơn sơ, giản dị
Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất (năm 1975), cùng với sự kiện khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khách tham quan Khu di tích ngày càng tăng lên, cùng với đó là nhu cầu tìm hiểu đầy đủ hơn về những hoạt động cũng như cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch ngày càng cao. 
Trước nhu cầu đó, Ban Giám đốc, Hội đồng khoa học cơ quan tiếp tục nghiên cứu để từng bước trưng bày mở cửa các di tích bất động sản gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch. Năm 1996, di tích Nhà 54 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ năm 1954 đến năm 1958 đã được nghiên cứu trưng bày và mở cửa phát huy tác dụng. 
Năm 2009, nhân kỷ niệm 40 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Khu di tích đã nghiên cứu trưng bày mở cửa di tích nhà bếp A - nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nghiên cứu trưng bày phòng trưng bày bổ sung các thiết bị y tế phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày cuối đời. Năm 2010, Khu di tích cũng nghiên cứu mở cửa trưng bày căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị và tiếp khách. 
Có thể nói, quá trình trưng bày mở cửa các di tích và chỉnh lý trưng bày tài liệu, hiện vật trong các di tích là kết quả nghiên cứu của nhiều cán bộ khoa học trong và ngoài cơ quan cũng như của các chuyên gia bảo tồn di tích hàng đầu của Việt Nam. Nhiều cuộc họp, hội thảo và tọa đàm khoa học đã được tổ chức với rất nhiều câu hỏi được đưa ra. Một trong những vấn đề lớn đó là nên giữ nguyên hiện trạng các tài liệu, hiện vật như thời điểm lúc Bác Hồ ra đi hay cần nghiên cứu lựa chọn giải pháp trưng bày đảm bảo tính lịch sử, tính khoa học và phát huy cao nhất giá trị của từng tài liệu, hiện vật, đã được các nhà khoa học, các chuyên gia bảo tồn trao đổi thận trọng. 
Nơi Bác sống đời thường giản dị mà vĩ đại
Theo Phó Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Đỗ Hoàng Linh: Đặc trưng và ý nghĩa giáo dục sâu sắc của các điểm di tích trong khu Phủ Chủ tịch chính là cuộc sống đời thường giản dị mà vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm Người ở và làm việc tại đây. 
Vì thế, trưng bày ở di tích là phải đưa tài liệu, hiện vật gốc về đúng vị trí vốn có của nó, càng đảm bảo tính trung thực và lịch sử của di tích thì càng có sức thuyết phục đối với khách tham quan, học tập và cán bộ tuyên truyền cũng có nội dung phong phú hơn để giới thiệu. Do đó, Khu di tích cần phải tiến hành đánh giá lại toàn bộ hiện trạng tài liệu, hiện vật vốn có sau ngày Bác qua đời và hiện đang trưng bày tại các điểm di tích, trên cơ sở đó đề xuất hướng chỉnh lý và bổ sung tài liệu, hiện vật tại các di tích bất động sản. 
Ngoài ra, các cán bộ Khu di tích sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý và bổ sung trưng bày tài liệu, hiện vật tại các di tích bất động sản, mà cụ thể là tại di tích Nhà 54 và di tích nhà sàn, nhằm trả lại tính chân thực nguyên gốc vốn có của di tích. Hiện các tài liệu, hiện vật trưng bày trong các di tích này chưa thật đầy đủ, đặc biệt là thiếu vắng khối tài liệu đồ giấy như sách báo, cũng như một số hiện vật thể khối. 
Trong 15 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Người đã viết nhiều tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn có tầm tư tưởng mang dấu ấn thời đại như: “Đạo đức cách mạng” (1958); “Di chúc”(1965-1969), “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước”(1966); “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969)…
Trong quá trình tuyên truyền, cán bộ thuyết minh vẫn giới thiệu những tác phẩm nói trên, nhưng trên thực tế các tác phẩm đó không trưng bày tại di tích nên phần nào giảm tính thuyết phục đối với khách tham quan. Để khách tham quan có điều kiện tìm hiểu sâu về những tác phẩm đó, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cần nghiên cứu và đưa ra trưng bày tác phẩm “Đạo đức cách mạng” trên bàn làm việc của Bác tại di tích Nhà 54, trưng bày tác phẩm “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” và tác phẩm “Di chúc” trên bàn phòng làm việc tại nhà sàn hay trưng bày tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” tại di tích Nhà 67. Hình thức trưng bày có thể là bút tích hoặc những bản đánh máy của Bác, điều đó sẽ hấp dẫn hơn đối với khách tham quan mà không vi phạm đến nguyên tắc trưng bày di tích, bởi vì những tài liệu và hiện vật này đã từng tồn tại trong không gian và thời gian gắn với sự kiện và nhân vật tại di tích đó. 
Những hiện vật đã và đang trưng bày tại các di tích là những bằng chứng trung thực và thuyết phục nhất đối với khách tham quan, giúp họ hiểu thêm về cuộc sống thường ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là những năm tháng Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch. 
Vì vậy, vấn đề nghiên cứu và đề ra những giải pháp trưng bày để phát huy thêm các di tích bất động sản tại Khu di tích, hay chỉnh lý và bổ sung nội dung trưng bày cho các di tích trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là cần thiết, góp phần vào quá trình nghiên cứu đầy đủ và toàn diện hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt giai đoạn 1954-1969, để làm sao mãi muôn đời sau, mỗi người dân Việt Nam còn được “dắt tay vào cõi Bác xưa” để nhận lấy những bài học sâu sắc  từ phong cách, lối sống, tác phong Bác Hồ… 

Đọc thêm