Đề nghị xử nghiêm bộ, ngành để “nợ” văn bản

(PLO) -Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp vẫn còn có sự nể nang, chưa cương quyết nên trong các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết vẫn còn có các quy định chung chung cần phải được quy định chi tiết; việc thực hiện nhiệm vụ giám sát thi hành văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng còn hạn chế, chưa thực sự sâu sát đối với lĩnh vực cụ thể. 
Đề nghị xử nghiêm bộ, ngành  để “nợ” văn bản
Chiều 2/11, thảo luận tại Tổ về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua...
Nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng phải sớm khắc phục những hạn chế trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa quy định của văn bản pháp luật vào cuộc sống, làm giảm ý nghĩa thực tiễn của các văn bản do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. 
Còn quy định chung chung vì có sự nể nang
Tính đến hết tháng 7/2013, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua 46 văn bản, trong đó Chính phủ trình 44 văn bản. Đến ngày 15/10 có 37/46 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Ngay sau khi luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, hầu hết Bộ, ngành đã chủ động ban hành kế hoạch, chỉ thị triển khai thi hành các luật, pháp lệnh trong phạm vi quản lý. 
Dẫn ví dụ về một số dự án luật có hiệu lực trong thời gian dài nhưng vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành như Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/1/2013 nhưng đến nay mới ban hành được một văn bản hướng dẫn; Luật Quảng cáo, Luật Xuất bản có hiệu lực từ đầu năm nhưng vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn thi hành…, một số ĐBQH cho rằng Chính phủ, các Bộ, ngành mới ban hành được 49% văn bản, nghị định hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua là quá chậm, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý điều hành của cơ quan nhà nước.
ĐBQH đề nghị cần xử lý nghiêm những Bộ, ngành nào chậm tiến độ ban hành các văn bản mới khắc phục được tình trạng “nợ” văn bản hướng dẫn triền miên như thời gian qua.
Như đánh giá của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, tuy trách nhiệm chính thuộc về Chính phủ, các Bộ, ngành nhưng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng phải nghiêm túc nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trong giai đoạn chỉnh lý và xem xét, thông qua, cũng như trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
Theo quan điểm này, một số ĐBQH cho rằng, phần “trách nhiệm” của Quốc hội trong việc khắc phục tình trạng luật chờ văn bản hướng dẫn là “khi ban hành luật cần hạn chế tối đa những điều khoản qui định Chính phủ hướng dẫn để giảm bớt “gánh nặng” lập pháp cho các cơ quan hành pháp”.
Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Bộ Tư pháp
Bên cạnh việc nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết thì chất lượng một số văn bản, trong đó có tính hợp hiến, hợp pháp chưa cao, vẫn còn những nội dung quy định chưa đầy đủ, chưa cụ thể. Có đến 223 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền, nội dung và hiệu lực trong tổng số hơn 1.761 văn bản được ban hành đã gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. 
Từ đó, ĐBQH đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết. 
Không ít ĐBQH đồng tình đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đối với công tác xây dựng pháp luật, nhất là việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến phạm vi lĩnh vực do cơ quan mình phụ trách và đề nghị Quốc hội đưa tiêu chí về hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan chịu trách nhiệm ban hành văn bản; đồng thời đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về việc triển khai thi hành luật,  pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định định chi tiết, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu cơ quan khi không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình; quy định rõ thời hạn các cơ quan phải hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng và thời hạn định kỳ báo cáo hàng năm về việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Đọc thêm