Để Quốc ca Việt Nam vang xa

(PLO) -Hy vọng với Nghị định 145/2013/NĐ-CP, sẽ không còn những câu hỏi đau lòng về lòng tự trọng dân tộc khi có người vẫn… lười hát Quốc ca.

 

Hát Quốc ca trong các lễ kỷ niệm là quy định trong Nghị định 145/2013/NĐ-CP về tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài vừa được ban hành.
Luật hóa sự tôn trọng Quốc ca
Trên thế giới, rất nhiều quốc gia có chế tài xử phạt đối với những hành vi không tôn trọng Quốc ca. Công dân Philippines có thể phải đối diện với bản án 2 năm tù hoặc mức phạt lên tới 100.000 peso, tức khoảng 2.280 đô la Mỹ khi hát sai lời hoặc sai nhịp Quốc ca. Tại Nhật Bản, cả một trường học bị kỷ luật khi giáo viên và học sinh không hát Quốc ca... 
Còn ở Việt Nam, tuy Hiến pháp năm 1992 dành hẳn Chương VI chứa đựng những điều luật quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô, ngày Quốc khánh. Tuy nhiên ngoài những điều khoản đó ra thì trước nay pháp luật Việt Nam không có một văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn, quy định thế nào là việc làm tôn trọng Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy cũng như thế nào là hành vi xâm phạm, thiếu tôn trọng và những chế tài phù hợp điều chỉnh  hành vi đó.
Thế nên, hiện nay tình trạng phổ biến là rất nhiều người Việt, nhất là người trẻ, không thuộc trọn vẹn bài Quốc ca. Hơn nữa, việc sử dụng đĩa nhạc Quốc ca trong các buổi lễ chào cờ tại các cơ quan, tổ chức, trường học, các lễ kỷ niệm… đã khiến nhiều người càng có "lý do" để không thuộc Quốc ca. 
Thật đáng buồn cho lòng tự tôn dân tộc khi tại các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, thể thao mang tính quốc tế, khi Quốc kỳ, Quốc ca Việt Nam cử hành, có những công dân Việt Nam chỉ đặt tay lên ngực và ngước nhìn.
Bắt buộc hát quốc ca trong các lễ kỷ niệm đó là quy định trong Nghị định 145/2013/NĐ-CP về tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài vừa được ban hành ngày 29/10, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công bố ngày 1/11, có hiệu lực từ 16/12. 
Theo đó, Điều 27 của Nghị định quy định “đại biểu dự lễ hát Quốc ca”. Quy định này là rất cần thiết để thay đổi tình hình ỷ lại vào “máy hát” Quốc ca hiện nay của nhiều người Việt. 
Có nên thống nhất cách hát Quốc ca trên cả nước?

Cách đây không lâu, trên một tờ báo về lĩnh vực văn hóa đăng tải bài báo của GS Nguyễn Lân Hùng đặt câu hỏi “Quốc ca nên hát như thế nào?” khi ông phát hiện tại Việt Nam hiện nay, kể cả trong những buổi lễ chính thức, đã và đang có rất nhiều phiên bản Quốc ca với những bản phối khác nhau, chỗ thì chậm rãi, uy nghiêm, chỗ lại rộn rã, hùng tráng. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao có sự khác nhau này?. Và có nên thống nhất một cách hát Quốc ca trên toàn quốc hay không?.

Theo quan điểm của GS Nguyễn Lân Hùng, nhạc sĩ Văn Cao khi sáng tác tác phẩm “Tiến quân ca” (tên chính thức của Quốc ca) đã ấn định tốc độ cho bài hát là “nhịp đi”. Và khi tác phẩm “Tiến quân ca” được chọn là Quốc ca, Quốc hội Việt Nam đã thống nhất giữ nguyên bản của tác phẩm gốc. 
Vậy nên phải tôn trọng quyết định này, không ai có quyền thay đổi nó về tất cả các phương diện như lời, tốc độ… Chỉ Quốc hội mới có quyền quyết định, nếu muốn thay đổi.  “Nên thống nhất cách hát Quốc ca trên cả nước” là đề xuất của GS Nguyễn Lân Hùng, vì Quốc ca là việc đại sự, là việc của cả dân tộc.
Thiết nghĩ, để trả lời đề xuất này, như đã nói trên, cần có sự quyết định tối cao của chính nơi đã ra quyết định chọn tác phẩm “Tiến quân ca” làm Quốc ca. Nhưng như mọi lĩnh vực, vấn đề khác, việc ban hành những điều luật liên quan đến Quốc ca nhất thiết phải đi kèm chế tài để ràng buộc, răn đe. 
Tuy nhiên, Nghị định 145/2013/NĐ-CP lại không có bất kỳ chế tài xử phạt nào, trong khi đối tượng áp dụng tương đối  rộng rãi: tất cả các cơ quan, tổ chức, kể cả các doanh nghiệp tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài.

Đọc thêm