Đê sông Mã và đê sông Chu bị sạt lở nghiêm trọng

(PLO) - Đê sông Chu và đê sông Mã chảy qua địa bàn huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng trong những ngày mưa lớn vừa qua khiến cho người dân hết sức lo lắng.
Đê sông Mã và đê sông Chu bị sạt lở nghiêm trọng
Sáng ngày 06/08, ông Nguyễn Trọng Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Thanh Hóa cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, tại hai tuyến đên xung yếu gồm đoạn tả đê sông Chu (đoạn qua xã Thọ Trường, Thọ Xuân), lý trình từ K30 + 892 – K18 + 994 bị sạt 3 cung. 
Cung lớn nhất có chiều dài là 24m và sâu vào chân đê đến 2m, vách thẳng đứng. Tại đoạn tả đê sông Mã, đoạn qua xã thôn 6 xã Hoằng Khánh (huyện Hoằng Hóa) cũng bị sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến cuộc sống của bà con nhân dân. Có mặt tại điểm sạt lở, PLVN ghi nhận hiện đoạn tả đê sông Mã qua xã Hoằng Khánh bị sạt lở kéo dài hơn 100m, chiều rộng (từ bờ sông vào) khoảng 5m đến 6m. Dọc tuyến vẫn đang tiếp tục nứt, sạt lở khiến người dân nơi đây hoang mang, lo lắng. 
Nhiều đoạn đất bị nước sông cuốn trôi
 Nhiều đoạn đất bị nước sông cuốn trôi 
Ông Nguyễn Văn Tuế, (đội 6 – xã Hoằng Khánh) lo lắng, hôm mùng 3 mùng 4 vừa qua, nước sông Mã từ thượng nguồn đổ về, nước sông dâng cao và chảy siết đã làm sạt lở chân đê nghiêm trọng. “Tôi thầu của xã diện tích đất ngay bên bờ sông Mã, mấy ngày qua, mưa lớn, nước sông dâng và chảy siết đã cuốn đi 200 cây xoan trồng được 6 năm và hơn 60 bụi tre… Sợ nước tiếp tục chảy, đất lở sâu vào chân đê nên còn hơn 100 cây xoan tôi thuê người đến chặt mang về nhà”, ông Tuế cho biết. 
200 cây xoan và 60 bụi tre bị nước sông cuốn trôi
200 cây xoan và 60 bụi tre bị nước sông cuốn trôi 
Ông Nguyễn Trọng Hải cho biết thêm, tại những điểm sạt lở này, nếu không có phương án gia cố và khắc phục kịp thời, thì đây sẽ là điều đáng lo ngại cho người dân tỉnh Thanh Hóa nói chung trong mùa mưa bão năm nay. Vì diện tích đất sạt lở vào chân đê ngày càng lớn, bên cạnh đó, mưa to và nước từ thượng nguồn chảy về càng mạnh có nguy cơ sẽ làm vỡ đê. “Hiện chúng tôi đã cắm mốc theo dõi diễn biến sạt lở, đồng thời chuẩn bị vật tư, lực lượng tại chỗ, sẵn sàng xử lý  khi tình huống xấu xảy ra”, ông Hải nói. 
Tranh thủ lúc ngớt mưa, người dân chặt những cây xoan sót lại mang về tránh rủi ro mất trắng
 Tranh thủ lúc ngớt mưa, người dân chặt những cây xoan sót lại mang về tránh rủi ro mất trắng
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, chủ động ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, đá có thể xảy ra bất ngờ. 
Theo đó UBND các huyện Lang Chánh, Quan Hóa, Mường Lát, Cẩm Thủy, Bá Thước tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở, xảy ra lũ ống, lũ quét, đồng thời tiến hành di dời người dân đến nơi ở an toàn, tuyệt đối không để người dân ở lại khu vực chòi rẫy, qua sông, qua suối khi có mưa lớn xảy ra./.

Đọc thêm