Đề xuất bỏ chế độ công chức, viên chức giáo dục: 'Phải sửa đổi Luật mới làm được'

(PLO) - Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Phó chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng QH Phạm Tất Thắng cho biết phải đưa ra Quốc hội bàn, và quyết định về đề xuất bỏ chế độ công chức, viên chức (CCVC) trong ngành giáo dục.
Phó chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng QH Phạm Tất Thắng
Phó chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng QH Phạm Tất Thắng

- Thưa ông, ông có nhận xét gì về ý tưởng bỏ chế độ công chức, viên chức (CCVC) trong ngành giáo dục”

- Việc làm thế nào để giảm công chức, viên chức trong ngành giáo dục là việc phải suy nghĩ. Tôi cho cần thiết và sẽ tốt nếu làm được. Tuy nhiên, đây là lực lượng quan trọng, là chủ thể của ngành giáo dục, lực lượng này liên quan đến đội ngũ nhân lực, lực lượng kế cận chủ nhân tương lai của đất nước chúng ta.

Vì vậy, mọi chế độ chính sách cho giáo viên khi thay đổi cần phải có tính toán. Thận trọng và phù hợp pháp luật, đặc biệt là phải phù hợp với các quy định công chức, viên chức của các ngành khác. Và làm thế nào thì mục tiêu là vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. Tôi xin nhắc lại. Bên cạnh việc chúng ta có thể giảm chi phí từ ngân sách thì quyền lợi của giáo viên sẽ phải đảm bảo.

- Nếu quy định này đưa ra, ông có nghĩ sẽ giảm được tiêu cực trong ngành giáo dục khi chúng ta vẫn thường nghe dư luận nói về việc “Chạy hợp đồng viên chức, chạy hợp đồng”?

 - Chúng ta có nghe đến những tiêu cực này. Nhưng đây chỉ là “nghe bảo  thế”. Đối với ngành giáo dục, số lượng đông nhất trong hệ thống công chức, viên chức. Nếu chúng ta có chính sách nào đó công khai, minh bạch thì cũng sẽ hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh.

Khi đã công khai minh bạch thì đội ngũ giáo viên sẽ yên tâm công tác.  

 - Có phải sửa đổi luật nếu ngành giáo dục đưa ra chính sách rất riêng này?

- Đương nhiên. Hiện nay đội ngũ giáo viên của chúng ta chủ yếu là viên chức, một số ở chế độ công chức, bị điều chỉnh bởi luật CCVC. Ngành giáo dục đề xuất, nhưng để nó có được áp dụng hay không thì còn phải bàn nhiều. Khi thí điểm thì cho phép, còn để áp dụng đồng loạt thì phải sửa đổi luật CCVC mới làm được. Và phải được Quốc hội bàn bạc, thống nhất.

- Một giáo viên đang là viên chức mà bị đưa ra khỏi chế độ viên chức thì sao?

- Luật hiện nay quy định phải vi phạm gì đó mới đưa ra khỏi công chức, viên chức. Nếu theo đề xuất này của Bộ Giáo dục thì chắc chắn phải chờ luật quy định thế nào? Tôi vẫn nhắc lại lần nữa là cần đảm bảo công bằng giữa viên chức giáo dục và viên chức các ngành khác.

 Xin cám ơn ông!

Đọc thêm