Đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa 10 lĩnh vực

(PLVN) - Đó là một trong những nội dung sửa đổi của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).
Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Hôm qua (5/2), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành Phiên họp thứ 26, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC; Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của một số tỉnh, thành phố.

Đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Luật XLVPHC được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau 6 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, hiện nay Luật quy định, mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe; sự thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các chức danh có thẩm quyền XLVPHC dẫn đến thay đổi về thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền dẫn đến tình trạng dồn quá nhiều vụ việc lên cơ quan cấp trên. Các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn rườm rà, nhiều quy định chưa thống nhất; một số quy định thiếu tính khả thi.

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về XLVPHC và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

So với Luật XLVPHC hiện hành, dự án Luật sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên đến 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; bảo vệ người tiêu dùng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng; lĩnh vực báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng và kinh doanh bất động sản từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết, cách xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung được nêu trong Tờ trình, song cũng đề nghị bổ sung làm rõ căn cứ, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung và đánh giá tác động cụ thể đối với các nội dung của dự thảo Luật. 

Các đại biểu đề nghị, mỗi vấn đề đưa ra phải đánh giá rất kỹ tình hình thi hành pháp luật, tác động của chính sách với cuộc sống, với xã hội. Đa số đại biểu nhất trí cần phải nâng mức xử phạt hành chính ở một số lĩnh vực, nhưng cần phải có báo cáo cụ thể tăng trong lĩnh vực nào, hành vi gì so với Luật hiện hành.

Do quy định hay tại khâu thực hiện?

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc lại dư luận xã hội rất bất bình và không đồng tình với việc xử lý một số hành vi trong một số lĩnh vực. Ví dụ xử phạt 200.000 đồng với hành vi dâm ô và nhiều hành vi khác nữa. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, yêu cầu đặt ra là phải tăng mức phạt ở một số lĩnh vực tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm…

“Tránh tình trạng do có dư luận nên tăng tất cả mà chưa tính đến trong lĩnh vực đó, chúng ta chưa sử dụng hết mức phạt tối đa mà Luật đã cho phép”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý và đặt vấn đề: Việc thực thi Luật thực tế có nhiều vướng mắc là do quy định của Luật XLVPHC hay ở khâu tổ chức thực hiện? 

Đối với vấn đề XLVPHC và thẩm quyền của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực có thay đổi về tổ chức, bộ máy theo quy định của luật chuyên ngành, ông Uông Chu Lưu đồng tình cần cập nhật lại trong dự luật. Hay quy định ủy quyền cho cấp phó, nhưng phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thời gian, trách nhiệm…

Ông Lưu đề nghị có quy định về chế tài trách nhiệm của người thi hành công vụ để hạn chế, ràng buộc, kiểm soát quyền lực của người thi hành công vụ như trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thanh tra, kiểm toán.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, XLVPHC là vấn đề lớn. Ở một số địa phương hiện nay đang nổi lên vấn đề trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý người sử dụng ma túy vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Hồ sơ dự Luật cần đánh giá được những quy định gì trong Luật hiện hành đang còn bất cập, vướng mắc về trình tự thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền, thời gian… để kiến nghị sửa đổi. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, vì đây là dự án mới trình Quốc hội lần đầu để cho ý kiến, đến kỳ họp cuối năm, Quốc hội mới xem xét thông qua, nên Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, Chính phủ rà soát, đánh giá, tổng kết kỹ và thống nhất quan điểm để báo cáo Quốc hội xử lý.  

Cũng tại phiên họp, trình bày tóm tắt Tờ trình về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Tuấn Anh cho biết, hiện Chính phủ đã có các tờ trình kèm theo hồ sơ đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã và thành lập một số ĐVHC đô thị của các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng. Qua lần sắp xếp này của 5 tỉnh sẽ giảm được 44 ĐVHC cấp xã.

Theo đó, Thái Bình đề nghị sắp xếp 47 ĐVHC cấp xã. Lào Cai có 1 ĐVHC cấp huyện (huyện Si Ma Cai) thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021, còn số lượng ĐVHC cấp xã đề nghị thực hiện sắp xếp 19 đơn vị. Thành phố Hà Nội đề nghị sắp xếp 10 ĐVHC cấp xã. Thành phố Cần Thơ đề nghị sắp xếp 3 ĐVHC cấp xã. Khánh Hòa đề nghị sắp xếp 3 ĐVHC cấp xã. Cao Bằng đề nghị sắp xếp 2 ĐVHC cấp huyện và 76 ĐVHC cấp xã. 

Đọc thêm