Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Nhiều người vội 'chạy' giám định để về hưu sớm

(PLVN) - Đó là thông tin đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (dự thảo Luật) về tuổi nghỉ hưu và quy định về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc do Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tổ chức hôm qua (15/5).
Còn nhiều tranh cãi về việc tăng tuổi nghỉ hưu với NLĐ trực tiếp.
Còn nhiều tranh cãi về việc tăng tuổi nghỉ hưu với NLĐ trực tiếp.

Nhiều lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật đưa 2 hai phương án. Theo đó, phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Nhiều ý kiến cho rằng NLĐ trực tiếp không hề muốn tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất trong dự thảo Luật. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến những tác động đối với lao động nữ. Ngoài những tác động tích cực vẫn còn tồn đọng nhiều tác động tiêu cực.

Chẳng hạn, đối với một số ngành nghề thâm dụng lao động như giày da, dệt may, chế biến thủy sản, lắp giáp linh kiện điện tử… tỷ lệ lao động nữ làm việc trực tiếp chiếm số đông và vấn đề sức khỏe, khả năng lao động của nữ giới là rào cản lớn trong việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Lao động nữ trong nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại hay một số cán bộ nữ công tác trong các ngành nghề đặc thù như: mầm non, diễn viên múa, xiếc… nếu kéo dài tuổi làm việc sẽ dẫn đến tình trạng sức khỏe giảm sút, kéo theo chi phí về chăm sóc sức khỏe…

Đánh giá về việc tăng tuổi hưu, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH nhận định, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến thị trường lao động, năng suất lao động, do đó cần có lộ trình phù hợp.

Hiện vấn đề này chưa được phân định rõ ràng, trong Luật vẫn đang theo hướng dàn hàng ngang. Bên cạnh đó, nếu tổng số việc làm không tăng, số người ở lại sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người trẻ. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới là phải thực hiện theo lộ trình để tránh gây sốc.

Chia sẻ quan điểm với tư cách là NLĐ, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (48 tuổi, công nhân may tại tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, do đặc thù công việc nên mắt của lao động trong ngành may mờ rất nhanh, càng lớn tuổi nhìn càng không rõ, xương khớp rệu rạo... “Nếu tăng tuổi nghỉ hưu và nghỉ hưu muộn, liệu chúng tôi có theo được hay không? Tôi cho rằng rất khó để đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc. Do đó, không nên tăng tuổi nghỉ hưu với NLĐ trực tiếp. Cá nhân tôi không hề mong muốn”.  

Nhấn mạnh quan điểm không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, ông Đặng Quang Điều, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu ra 3 lý do chính. Thứ nhất, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng (2007-2047), số lượng người trong độ tuổi lao động gấp 2,3 lần số người không trong độ tuổi lao động.

Do vậy nếu tăng tuổi nghỉ hưu trong thời điểm này là chưa phù hợp. Thứ 2, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến áp lực rất lớn về thị trường lao động và cụ thể là gây áp lực với lao động trẻ. Hiện nay số lượng sinh viên ra trường chưa xin được việc làm còn tương đối nhiều. Nếu tăng độ tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến tình trạng “người già đi làm, người trẻ đi chơi”. 

Từ những bất cập trên, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần may Sông Hồng đề nghị nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam. “Nhiều người lao động khi nghe đến việc tăng tuổi nghỉ hưu đã vội vàng “chạy” tiền để được làm giám định y tế về hưu sớm”, ông Thịnh nói; đồng thời cho biết, các nữ công nhân ngành may hàng ngày có 8-10 giờ đồng hồ chỉ tập trung vào cái trụ kim nhỏ bằng đầu ngón tay, công việc của họ rất mệt mỏi, áp lực. Do đó, lao động nữ 45 tuổi đã muốn nghỉ hưu, nếu quy định nữ công nhân đến 55 tuổi nghỉ hưu là không có khả năng.

Quấy rối tình dục: khó xác định?

Ở Việt Nam, quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc và trong xã hội được nhìn nhận như một vấn đề nhạy cảm, khó nói, nên có rất ít thông tin để chia sẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, những hình thức thể hiện của hành vi này lại vô cùng phong phú, có thể được biểu thị dưới dạng hành động, cử chỉ, lời nói khiến cho nạn nhân bức xúc.

Theo bà Đỗ Ngân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, đã có những quy định về QRTD tại nơi làm việc, nhưng dấu hiệu chưa rõ ràng và khó xác định chứng cứ nên khi đưa vào xử lý thường gặp nhiều vướng mắc. “Việc chứng minh hành vi QRTD đã khó, việc xử lý càng khó hơn.

QRTD thường là chỉ 2 người, có thể tại nơi làm việc, cũng có thể xảy ra trên đường đi công tác, đi làm. Thậm chí trong các hoạt động tập thể của doanh nghiệp. Vậy trong luật chỉ quy định “tại nơi làm việc” là chưa bao quát được hết”, bà Bình nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, TS.Dương Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) chia sẻ, tình trạng QRTD hiện rất phức tạp, không thể xử lý được, QRTD thường là chỉ 2 người. Thậm chí, khi bị quấy rối không có người chứng kiến và lời khai của 2 người trong cuộc trái ngược nhau, nên người bị quấy rối thường rất khó trong việc chứng minh hành vi quấy rối của người kia để tố cáo. “Phải có cơ chế để chuyển nghĩa vụ chứng minh của người tố cáo hành vi QRTD thành nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động”, bà Dương Thanh Mai đề xuất. 

Đọc thêm