Điều nhân dân lo lắng nhất

(PLO) - Theo “Các phiếu thăm dò, đợt thăm dò dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tiến hành ở quy mô lớn thì nạn tham nhũng bao giờ cũng chiếm mối quan tâm, lo lắng hàng đầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết như vậy tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Trung ương với Thành ủy Hà Nội ngày 12/9. 
Ông Đinh Thế Huynh - Thường trực Ban Bí thư.
Ông Đinh Thế Huynh - Thường trực Ban Bí thư.

Đúng, tham nhũng luôn là nguy cơ đối với đảng cầm quyền và bất cứ đất nước nào, thể chế chính trị nào. Các lãnh tụ cộng sản hơn 100 năm trước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về nguy cơ này đối với đảng cầm quyền. 

Lần đầu tiên, Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng (1/1994), Đảng đã bổ sung và xác định có 4 nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam trong đó có nguy cơ về tệ nạn tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí. 

“Nguy cơ về tệ nạn tham nhũng” chúng ta thấy càng ngày càng diễn biết phức tạp, vụ sau quy mô lớn hơn vụ trước. Nói theo khái niệm “tội phạm học” đáng lo ngại khi nhìn cả “chủ thể” và “khách thể”. 

Phải nói rằng chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa bè phái, tệ tham nhũng - những “giặc nội xâm” — ngày càng hiện hữu “khổng lồ” đang làm một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít người giữ trọng trách “thoái Đảng”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm không ít tổ chức đảng mất sự thống nhất, mất khả năng lãnh đạo và mất sức chiến đấu. 

Rõ ràng là, nếu chậm trễ, không kiên quyết chủ động ngăn chặn một cách kịp thời, căn cơ và hiệu quả, cái hiểm họa “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ” sẽ cận kề và lan rộng, như đã từng xảy ra đối với một số đảng cộng sản cầm quyền. 

Làm gì để “phòng, chống tham nhũng” có hiệu quả?. Đã đến lúc chúng ta thấy không thể bằng “học tập”, “tự kê khai” như các cuộc vận động chúng ta đã làm. Làm sao để “phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng?”. 

Chống tham nhũng mà nói nhiều, mà làm ít thì càng mất niềm tin trong dân, “tham nhũng” ngày càng nhơn nhơn. Phải mạnh mẽ “đánh” đến nơi, đến chốn, phải “trốc nã” được các nhóm lợi ích. Phải tin dân, dựa vào dân, coi trọng sự giám sát thực sự của dư luận xã hội, công khai báo cáo với nhân dân. Đồng thời về mặt chính sách phải ngay lập tức rào kín các “sơ hở” mà bất kể kẻ “tham tiền” nào cũng lợi dụng và ăn cắp của nhân dân. 

Chờ đợi để đánh thức được “liêm sỉ” là việc rất lâu dài, song song cùng với việc nâng cao “phông” văn hóa của quan chức. Do vậy phải đánh mạnh, tạo ra áp lực xã hội để những kẻ có “gen tham nhũng” phải biết run sợ là điều nên làm.

Đọc thêm