Đoàn ĐBQH Thanh Hóa tiếp xúc cử tri doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động

(PLVN) -Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động tại Thanh Hoá mong muốn thành lập hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu lao động để giao lưu, trao đổi, học hỏi và cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Ông Bùi Sỹ Lợi trả lời kiến nghị của cử tri về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Ông Bùi Sỹ Lợi trả lời kiến nghị của cử tri về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Ngày 7/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có buổi tiếp xúc với cử tri Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về các đề xuất, kiến nghị liên quan đến Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông báo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, dự kiến kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20/05 và bế mạc vào ngày 19/06. Đây là kỳ họp có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tiến hành. 

Cử tri đóng góp ý kiến
Cử tri đóng góp ý kiến  

Tham gia ý kiến đóng góp vào Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu là cử tri các doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, thảo luận, đưa ra các ý kiến đóng góp liên quan đến việc gia hạn giấy phép, cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động, quy định mức trần vốn pháp định, phí dịch vụ, phí môi giới, phí bảo lãnh mà doanh nghiệp dịch vụ được thu; tiền ký quỹ của người lao động; xem xét nghiên cứu rút ngắn thời gian thanh lý hợp đồng đối với lao động hết hạn lao động hợp đồng về nước.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; quản lý các văn phòng, trung tâm làm công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn thành lập hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu lao động để giao lưu, trao đổi, học hỏi và cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cử tri các trường cho rằng việc tạo nguồn lao động là rất quan trọng, luật cần có khung quy định tiêu chuẩn người lao động đi làm việc ở nước ngoài để đào tạo, bồi dưỡng; quy định rõ việc hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng, trường nghề với doanh nghiệp…

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi luật là cần thiết, nhằm bảo vệ tốt hơn người lao động làm việc ở nước ngoài; bảo đảm phù hợp quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề việc làm ngoài nước đối với công dân Việt Nam, phù hợp với xu thế dịch chuyển lao động quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật.

Các ý kiến đóng góp của cử tri sẽ được đoàn ĐBQH ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp, tham gia gia đóng góp với Ban soạn thảo và Quốc hội, góp phần xây dựng luật tốt nhất.

Trong nhiều năm qua, Thanh Hoá luôn là tỉnh có số người đi xuất khẩu lao động đông nhất so với các tỉnh trong cả nước.

Hiện trên địa bàn Thanh Hoá có trên 40 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nhiều đơn hàng tuyển dụng, các đợt xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng khiến các đơn vị xuất khẩu lao đông trên địa bàn Thanh Hóa và người lao động rơi vào tình trạng khó khăn và lo lắng.

Đọc thêm