Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành: “Cần thiết” nhưng phải biết “tiền đâu”

(PLO) - Các sân bay quốc tế hiện đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành thì quan trọng nhất phải quan tâm là thời điểm, nguồn vốn và phương thức quản lý.
Phối cảnh sân bay Long Thành
Phối cảnh sân bay Long Thành
Đa số đề nghị thông qua chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành tại kỳ này nhưng tại phiên thảo luận chiều qua (14/11), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn còn ngổn ngang tâm trạng lo ngại về sức ép của dự án đối với nền kinh tế trong điều kiện chất lượng tăng trưởng chưa cao, khả năng thanh toán nợ công còn bấp bênh và hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ.
Quyết sớm để không lỡ nhịp cạnh tranh
Tính cấp thiết của việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là vấn đề được nhiều ĐBQH đề cập đến và yêu cầu Chính phủ phải làm rõ để quyết định thời điểm đầu tư. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhận thấy, trong tình hình khó khăn của nền kinh tế thì cần cân nhắc thời điểm đầu tư. Vì thế, cho chủ trương đầu tư vào thời điểm này là hợp lý để năm 2018 có thể triển khai dự án khi nền kinh tế đã ổn định. 
Còn ĐB Huỳnh Nghĩa (TP.Đà Nẵng) cho rằng, “dù cần thiết có sân bay Long Thành nhưng chưa xây khi chưa cần thiết”, nhất là Chính phủ cần báo cáo thuyết phục hơn về công năng của sân bay Tân Sơn Nhất trong những năm tiếp theo và tại sao khi thiếu đất để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lại lấy 160ha trong sân bay này làm sân golf?
Theo một số ĐBQH, ở nhiều nước, các sân bay quốc tế dù nhỏ nhưng vẫn khai thác tốt và khách du lịch, nhà đầu tư không đến Việt Nam chỉ vì có sân bay quốc tế mà vì có môi trường đầu tư, du lịch đáp ứng yêu cầu. Do vậy, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lo ngại, mục tiêu của dự án tuy có cơ sở nhưng không dễ đạt được. Tuy nhiên, trước đây có nhiều dự án đã bị phản đối do khó khăn về vốn, nhưng với quyết tâm triển khai đã cho thấy hiệu quả như đường dây 500kV Bắc - Nam nên ĐB tin tưởng nếu được đồng ý về chủ trương đầu tư thì Chính phủ sẽ có báo cáo đầu tư giải đáp được các băn khoăn của Quốc hội. 
Thậm chí, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) còn khẳng định: “Nguồn vốn là bài toán khó nhưng giải được khi cho chủ trương để lập dự án. Đừng vì sợ nợ mà không dám làm gì, vì quan trọng là khả năng trả nợ, sử dụng vốn vay hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực”. Nhưng ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhắc nhở: “đề án khả thi phải trả lời được qui mô tối đa của dự án, không để dư luận cho rằng tính xây dựng sân bay trung chuyển quốc tế như “đếm cua trong hang”. 
Với ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), xây dựng sân bay Long Thành đã cấp thiết cho sự phát triển của nền kinh tế lâu dài và để tăng tính cạnh tranh với các quốc gia láng giềng khi họ đã “chạy từ lâu rồi”. Vì quyết chủ trương đầu tư từ bây giờ thì 8-10 năm nữa mới có sân bay Long Thành nên nhiều ĐBQH mong Quốc hội sớm thông qua chủ trương để Chính  phủ triển khai các bước tiếp theo cho dự án hoàn thành càng nhanh càng tốt. “Nếu không sẽ làm lỡ nhịp phát triển, cạnh tranh của đất nước” – ĐB Nguyễn Bá Thuyền lưu ý. 
Lấy đâu 18,7 tỷ USD?
Câu hỏi lớn nhất khi thảo luận về dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được nhiều ĐBQH đặt ra là “lấy đâu 18,7 tỷ USD để đầu tư xây dựng” trong điều kiện bội chi ngân sách nhà nước lớn, kéo dài, nợ công cao với trung bình 900 USD nợ công/người, nhiều lĩnh vực khác cần đầu tư. Do đó, một số ĐBQH đề nghị: “Chất lượng tăng trưởng kinh tế và khả năng thanh toán nợ công là những vấn đề cần nhắc đến khi quyết định đầu tư vào dự án này, nhất là phải làm rõ cách làm hiệu quả nhất đối với 7,8 tỷ USD đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án vì trong đó có 12,5% là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước”.
Theo nhiều ĐBQH, khối lượng vốn sẽ phải đầu tư cho dự án là rất lớn nên nếu ngân sách nhà nước bỏ ra 100% thì xã hội rất băn khoăn. Vì thế, nhiều ĐBQH bày tỏ yên tâm khi Chính phủ đưa ra phương án huy động vốn theo phương thức xã hội hóa. Trong đó, đối tác công - tư chiếm 64% tổng vốn giai đoạn 1 vào những hạng mục có khả năng hoàn vốn cao, ngân sách nhà nước chỉ phải chi 16.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, được phân bổ từ năm 2016 đến năm 2026 là hoàn toàn cân đối được. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay ODA cũng chỉ chiếm 0,091% GDP vào năm 2022 nên tác động vào nợ công cũng không lớn. 
Tuy nhiên, một số ĐBQH đề nghị Chính phủ phải giải trình phần vốn vay của doanh nghiệp có bảo lãnh của Nhà nước đầu tư vào các giai đoạn  để tránh tăng nợ công trong giai đoạn tiếp theo. Trước nỗi lo nợ công do triển khai dự án, ở một góc nhìn khác, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) lạc quan: “Nếu không hiệu quả thì không đầu tư, nếu đầu tư hiệu quả thì không chỉ không làm gia tăng nợ công mà còn góp phần tăng thu ngân sách”. 

Đọc thêm