Dự án Luật Hành chính công: Cần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn

(PLO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, hôm qua (18/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công. Theo đó, các đại biểu đề nghị làm rõ các lý do của sự cần thiết ban hành luật để bảo đảm tính thuyết phục.
Dự án Luật Hành chính công: Cần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn

Yêu cầu cấp bách của thực tiễn

Trình bày Tờ trình về việc xây dựng dự án Luật Hành chính công, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh cho biết, từ năm 2000 đến nay, các nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ những định hướng lớn trong cải cách hành chính, thực hiện hành chính công. “Có thể nói, chưa bao giờ các nghị quyết của Đảng về tăng cường kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chính sách, pháp luật hành chính công được đặt ra cấp bách và đầy đủ, toàn diện như hiện nay. Đây là những cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn hết sức quan trọng cần phải được thể chế hóa, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng đòi hỏi của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ĐB Khánh cho biết.

Cũng theo ĐB Khánh, Dự án Luật này xác định rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hành chính công; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính; xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở để nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động hành chính công, góp phần hội nhập quốc tế, phòng chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trên cơ sở đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

Nhưng chưa thuyết phục

Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật về dự án Luật Hành chính công do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho rằng, về sự cần thiết ban hành Luật được nêu trong Tờ trình chưa có tính thuyết phục. Tờ trình chưa xác định được những tồn tại, bất cập cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành; chưa lý giải, làm rõ được với những nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật thì sẽ giải quyết được những thiếu sót, bất cập, cụ thể nào của nền hành chính hiện nay. “Do đó, chưa làm nổi bật được sự khác biệt giữa việc có Luật Hành chính công với việc không có Luật này”, ông Định nêu rõ.

Dự án Luật Hành chính công là dự án Luật đầu tiên do một cá nhân ĐBQH trình trong lịch sử QH Việt Nam. Đây là dự án Luật rất khó, phạm vi tác động rộng, liên quan đến toàn bộ nền hành chính nhà nước. Trong thời gian ngắn, Ban soạn thảo dự án Luật đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn, tiến hành được rất nhiều hoạt động phục vụ việc soạn thảo.

Dự án Luật này đã được đại biểu đề xuất từ năm 2013 cho đến tháng 5/2015 lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết của QH khóa 13; chính thức được QH khóa 14 đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2017; được UBTVQH thành lập Ban soạn thảo với 27 thành viên (tháng 12/2016). 

Theo Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, dự án Luật Hành chính công là các vấn đề liên quan trực tiếp đến nền hành chính của Nhà nước, tuy nhiên đến nay Chính phủ chưa có ý kiến chính thức là chưa bảo đảm quy trình.

Quan trọng hơn, Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, cơ quan có trách nhiệm và cũng là đối tượng điều chỉnh cao nhất chưa có ý kiến thì UBTVQH sẽ khó khăn trong thảo luận để đánh giá các quy định của dự thảo Luật. 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của sự cần thiết phải ban hành Luật Hành chính công.

Theo đó, làm rõ các lý do của sự cần thiết ban hành luật để bảo đảm tính thuyết phục. Các phân tích về sự cần thiết phải bám sát vào các vấn đề thuộc phạm vi nghiên cứu về nền hành chính quốc gia, về nền công vụ, công chức. 

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, tại phiên họp UBTVQH đã đề ra những nội dung cụ thể đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát để đưa vào nội dung dự thảo Luật cho phù hợp; cân nhắc các ý kiến bước đầu của Ủy ban Pháp luật về việc đề nghị nghiên cứu thu hẹp phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật theo hướng tập trung điều chỉnh đối với một hoặc một số vấn đề của nền hành chính mà chưa được quy định trong các luật khác, nhưng phải bảo đảm xây dựng các quy phạm thực chất, cụ thể, để có thể áp dụng được trên thực tế.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng đề nghị Chính phủ sớm có ý kiến chính thức về dự án Luật này để làm cơ sở cho Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý một bước, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra dự án luật trước khi tiếp tục trình xin ý kiến của UBTVQH tại phiên họp tiếp theo. 

Đọc thêm