Dự án nạo vét cửa sông: Khơi thông luồng lạch hay lợi dụng khai thác cát, sỏi?

(PLO) - Một số dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch có biểu hiện doanh nghiệp lợi dụng để khai thác cát, sỏi, hoạt động ngoài phạm vi dự án; thực hiện không đúng chuẩn tắc thiết kế, gây tác động xấu đến môi trường, sạt lở bờ sông; ảnh hưởng đất canh tác, sinh hoạt của người dân, gây bức xúc trong dư luận...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dù Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua nhưng tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thất thu thuế; mất trật tự, an ninh, tệ nạn xã hội… đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác loại khoáng sản này.

Đến nay, do chưa tiến hành điều tra, đánh giá tổng thể nguồn tài nguyên cát trên phạm vi toàn quốc nên chưa có số liệu chính xác về tiềm năng loại khoáng sản này; tuy nhiên, thời gian qua, nhiều Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã cấp phép thăm dò và phê duyệt trữ lượng cát, sỏi lòng sông trên địa bàn. Theo báo cáo của 49/63 tỉnh, thành phố thuộc hệ thống các sông lớn, tính đến cuối năm 2016, tổng trữ lượng cát, sỏi được các địa phương phê duyệt theo thẩm quyền là 691,5 triệu m3.

Tại các địa phương, đến cuối năm 2016 đã có 54/63 tỉnh, thành phố đã lập và phê duyệt trên 80 quy hoạch khoáng sản khác nhau (bao gồm cả cát, sỏi lòng sông); trong đó, một số tỉnh như: Bắc Giang, Nam Định, Sóc Trăng, Tiền Giang, Thừa Thiên - Huế đã lập quy hoạch riêng đối với cát, sỏi lòng sông.

Đối với hoạt động thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch, cuối năm 2016 đã có trên 90 dự án nạo vét cửa sông, cửa biển, khơi thông luồng đường thủy nội địa, luồng hàng hải, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn gần 30 tỉnh, thành phố được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận theo hình thức “xã hội hóa”. 

Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng khối lượng sản phẩm thu hồi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch nêu trên khoảng hơn 200 triệu m3 cát (gồm cả cát sông, cát san lấp, cát nhiễm mặn).

Thực tiễn cho thấy, hoạt động khai thác cát, sỏi thường diễn ra ở các khu vực giáp ranh địa giới hành chính của hai hay nhiều tỉnh/thành phố, nhưng trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác cũng như khi cấp phép khai thác và thanh tra, kiểm tra chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương liên quan. Theo thống kê, đến đầu năm 2016, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn ra tại 20 tỉnh, thành phố, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thất thu thuế, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời làm mất trật tự, an ninh, tệ nạn xã hội.

Với thực trạng khai thác tràn lan, gây ô nhiễm môi trường hiện nay, cần thiết phải xem xét, điều chỉnh quy định về xây dựng báo cáo tác động môi trường cho từng dự án khai thác cụ thể. Thêm vào đó, một số dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch có biểu hiện doanh nghiệp lợi dụng để khai thác cát, sỏi, hoạt động ngoài phạm vi dự án; thực hiện không đúng chuẩn tắc thiết kế, gây tác động xấu đến môi trường, sạt lở bờ sông; ảnh hưởng đất canh tác, sinh hoạt của người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề nghị Thủ tướng xem xét, giao Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nghiêm Chỉ thị 03/CT-TTg và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc không cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa để nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải kết hợp với thu hồi cát; không gia hạn hoặc cấp lại các dự án nạo vét kết hợp thu hồi đã hết hạn. 

Đối với các dự án duy tu các tuyến luồng hàng hải, kết hợp với thu hồi cát, sỏi lòng song, giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì quản lý, giám sát; giao Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải chuyển cơ quan điều tra truy tố hình sự.

Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cần sớm hoàn thành xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý cát, sỏi giữa các địa phương ở khu vực giáp ranh hai hay nhiều tỉnh; tăng cường giám sát sản lượng khai thác thực tế; xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; đồng thời rà soát, điều chỉnh các Quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông đã phê duyệt theo quy định. Đặc biệt, trước khi phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có chung địa giới hành chính và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Hàng năm, ngành Giao thông đều phải tiến hành khơi thông luồng lạch, cửa sông, cửa biển với nhu cầu kinh phí khá lớn nhưng ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng được khoảng 50%.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện nạo vét, khơi thông luồng hàng hải (do Bộ Giao thông Vận tải quản lý) kết hợp thu hồi sản phẩm (chủ yếu là cát) theo hình thức “xã hội hóa” từ vốn của các doanh nghiệp. Theo đó, sau khi được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn, doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng sẽ đăng ký khối lượng sản phẩm thu hồi là cát với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời điểm áp dụng từ ngày 01/02/2014 đến hết năm 2016.

Đọc thêm