Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Bỏ quy định Bộ trưởng “không bộ”

(PLO) - Không nên qui định “cứng” số lượng bộ, cơ quan ngang bộ để tạo sự chủ động cho Chính phủ nhưng cần qui định rõ mỗi bộ chỉ có từ 3-4 thứ trưởng.
Dự thảo Luật TCCP (sửa đổi), Chính phủ đề nghị không quy định bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại DNNN như Luật TCCP 2001
Dự thảo Luật TCCP (sửa đổi), Chính phủ đề nghị không quy định bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại DNNN như Luật TCCP 2001
Phải qui định rõ 3-4 thứ trưởng/bộ
Đó là đề nghị của ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách tại buổi góp ý  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) với Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (TCCP) (sửa đổi) diễn ra sáng qua (30/9) để không còn tình trạng để nghị định qui định như hiện nay nhưng số lượng thứ trưởng ở các bộ, cơ quan ngang bộ và cấp phó ở các đơn vị vẫn “vượt trần”, gây dư luận không tốt và làm phình bộ máy tổ chức. 
Tán thành quan điểm của Chính phủ, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh ủng hộ không quy định cụ thể tên gọi và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và chỉ quy định có tính nguyên tắc, để tránh phải sửa luật khi Chính phủ cần bổ sung hay bỏ một bộ, cơ quan ngang bộ theo từng giai đoạn. 
Nhưng theo ông Phùng Quốc Hiển, không qui định “cứng” thì phải có tiêu chí rõ ràng để thành lập một bộ, cơ quan ngang bộ và đặt vấn đề “Chính phủ có theo hướng chỉ có thể thay Bộ trưởng, Quốc vụ khanh, còn bộ máy từ thứ trưởng trở xuống là bộ phận ổn định chuyên sâu để tạo đột phá trong tổ chức của các bộ, tăng tính chuyên nghiệp của bộ máy, hay tiếp tục theo mô hình hiện nay, thứ trưởng vẫn có thể được bổ nhiệm là Bộ trưởng?”. 
Ngược lại, vẫn có ý kiến như ông Nguyễn Đức Hiền “tha thiết đề nghị qui định rõ các bộ, cơ quan ngang bộ” để có sự ổn định cho tổ chức Chính phủ, ít nhất 1 nhiệm kỳ. “Không qui định cụ thể mà chỉ đưa ra các tiêu chí, điều kiện thành lập bộ thì cũng vẫn phải trình Quốc hội quyết, mà cũng đã có qui định “một luật sửa nhiều luật” rồi nên không lo ngại” – ông Hiền nhấn mạnh. 
Trong Dự thảo trình UBTVQH, Chính phủ đã bỏ qui định về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng phụ trách một số lĩnh vực công tác (Bộ trưởng “không bộ”) như Dự thảo trước do không nhận được sự tán thành của các chuyên gia vì “thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn”, vì “duy trì mô hình hành pháp, Chính phủ tập thể như hiện nay. Với mô hình quản lý nhà nước “đa ngành, đa lĩnh vực”, Bộ trưởng quyết hết thì làm gì còn lĩnh vực nào để có Bộ trưởng “không bộ”?” – ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật từng nêu rõ.
Không còn bộ chủ quản doanh nghiệp nhà nước
Với Dự thảo Luật TCCP (sửa đổi), Chính phủ đề nghị không quy định bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại DNNN như Luật TCCP 2001. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DNNN sẽ do Chính phủ thực hiện thông qua việc quy định và phân công việc thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DNNN phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, cơ quan ngang bộ. 
Từ thực tế, chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DNNN chỉ thực hiện đối với một số bộ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực kinh tế, đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật tán thành sự “đổi mới” của Chính phủ trong vấn đề này, dù có ý kiến đề nghị trước mắt trong giai đoạn hiện nay, giữ nguyên như Luật TTCP 2001 để bảo đảm sự kiểm soát, định hướng của Chính phủ đối với các hoạt động của DNNN. 
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách: “Dù không quy định bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DNNN nhưng vẫn cần phải có một cơ quan giúp Chính phủ quản lý vốn nhà nước tại các DN này”.

Đọc thêm