Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Ukraine: Vãn hồi hòa bình hay bùng nổ chiến sự?

(PLO) - Bất chấp nhiều ý kiến phản đối, với 265 phiếu thuận và 87 phiếu chống, Quốc hội Ukraine đã thông qua lần thứ nhất Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhằm phân cấp quyền lực do Tổng thống Petro Poroshenko đề xuất, cho phép trao cho các vùng đòi độc lập ở miền Đông quyền tự quản lớn hơn. 
Tuy nhiên, những tranh cãi nảy lửa trong Quốc hội cùng các cuộc biểu tình phản đối bên ngoài nhanh chóng leo thang thành bạo lực, kèm theo những phản ứng gay gắt từ chính các khu vực được trao quyền, đang làm dấy lên nghi ngờ liệu đây có thực sự là bước đi thực hiện thỏa thuận Minsk nhằm vãn hồi hòa bình ở Ukraine hay không. 
Tổng thống Petro Poroshenko phát biểu trước Quốc hội
Tổng thống Petro Poroshenko phát biểu trước Quốc hội 
Phản đối gay gắt
Phiên bỏ phiếu tại Quốc hội Ukraine đã diễn ra rất căng thẳng khi có tới ba chính đảng trong liên minh cầm quyền phản đối việc bỏ phiếu vì không ủng hộ việc phân cấp quyền lực cho các địa phương. Chủ tịch Đảng Cấp tiến Oleg Lyashko đã tuyên bố đảng này rút khỏi liên minh cầm quyền và chuyển sang phe đối lập. 
Nghị sĩ của Đảng Cấp tiến Valery Voschevsky cũng rút khỏi vị trí Phó Thủ tướng Ukraine trong Chính phủ của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk. Đảng “Tự cứu” - con đẻ của phong trào Maidan cũng để ngỏ khả năng rời khỏi liên minh cầm quyền.
Ngay chính các khu vực được trao quyền cũng có những phản ứng gay gắt. Đại diện CHND Donetsk tự xưng Aleksander Zakharchenko cho rằng, điểm sửa đổi Hiến pháp liên quan tới phân quyền do Quốc hội Ukraine thông qua không những không phù hợp với thỏa thuận Minsk - văn kiện cho đến nay được tất cả các bên xung đột tại Ukraine coi là “kim chỉ nam” để giải quyết khủng hoảng - mà còn hoàn toàn đi ngược lại thỏa thuận đó. 
Ông Zakharchenko còn gọi khoản sửa đổi này chỉ là “trò hề”. Lý do là Điều 11 trong thỏa thuận Minsk đạt được tháng 2/2015 nêu rõ, cải cách Hiến pháp tại Ukraine được tiến hành với nội dung then chốt là phân quyền, và nội dung này cần nhận được sự đồng thuận của đại diện hai tỉnh Donetsk và Lugansk, cũng như thông qua luật về quy chế đặc biệt cho các khu vực đó. Tuy nhiên, theo ông Zakharchenko, cho tới nay lãnh đạo Kiev chưa tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào về sửa đổi Hiến pháp với đại diện Donetsk và Lugansk với lý do không đàm phán với “những kẻ khủng bố”. 
Vấn đề “quy chế đặc biệt” là nội dung gây mâu thuẫn lớn nhất giữa Kiev và các khu vực miền Đông đòi độc lập. Trong khi hai nước Cộng hòa tự xưng tại miền Đông muốn có được một quy chế đặc biệt như thỏa thuận Minsk đã quy định thì chính quyền của Tổng thống Poroshenko kiên quyết bác bỏ điều này. 
Trong đệ trình sửa đổi Hiến pháp ngày 31/8/2015, Tổng thống Poroshenko tuyên bố đã xóa tất cả những quy định liên quan tới trao quy chế đặc biệt cho khu vực miền Đông, cụ thể là Điều 92 Hiến pháp quy định khả năng một số thành phố có thể được trao quy chế đặc biệt. Nói cách khác, theo Hiến pháp sửa đổi, không một thành phố, khu vực nào trên cả nước Ukraine có thể hy vọng được hưởng quy chế đặc biệt. 
Có hơn 3.000 người đã tập trung biểu tình trước trụ sở Quốc hội Ukraine phản đối việc Quốc hội thông qua lần thứ nhất sửa đổi Hiến pháp nhằm phân cấp quyền lực. Cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn đẫm máu khi nhiều người có hành động quá khích, kể cả ném lựu đạn về phía lực lượng cảnh sát. 
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết cảnh sát đã bắt giữ được kẻ ném lựu đạn, được xác định là chỉ huy một tiểu đoàn tình nguyện viên tuần tra “Sich” thuộc Bộ Nội vụ và là thành viên của Đảng Tự do. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng bảo vệ pháp luật đã làm 3 người thiệt mạng, trong đó có một nhân viên thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia và 2 cảnh sát, 140 người bị thương, trong đó 7 người bị thương nặng phải nhập viện. Trước những diễn biến bất ổn, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cam kết tất cả những kẻ chủ mưu gây ra đụng độ trước trụ sở Quốc hội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Quốc tế quan ngại
Các tổ chức quốc tế hàng đầu như Liên Hợp quốc (LHQ), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đã bày tỏ vô cùng quan ngại trước tình hình bất ổn tại thủ đô Kiev. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon  đã kêu gọi tất cả các bên tham gia tiến trình chính trị tại Ukraine hết sức kiềm chế, giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình và theo đúng luật pháp Ukraine. 
Ủy viên Châu Âu về Ngoại giao và An ninh Federica Mogherini nhấn mạnh không nên để bạo lực tại Kiev phá vỡ việc thực hiện thỏa thuận Minsk. Bà Mogherini ủng hộ Ukraine sửa đổi Hiến pháp theo hướng phân quyền, cân bằng lại quyền lực giữa trung ương và các khu vực, và là một “bước đi quan trọng” để thực hiện thỏa thuận Minsk.
Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng Nghị viện OSCE Ilkka Kanerva lên án những đụng độ xảy ra trước trụ sở Quốc hội Ukraine nhằm phản đối thông qua sửa đổi Hiến pháp. Ông chia buồn với gia đình các nạn nhân và kêu gọi chính quyền Ukraine nghiêm trị những kẻ gây bạo lực. Trong khi đó, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố Washington ủng hộ Quốc hội Ukraine thông qua sửa đổi Hiến pháp để phân cấp quyền lực, đồng thời lên án bạo lực và bất ổn tại Kiev.
Người biểu tình ở Kiev đã chiếm khu vực trước Quốc hội Ukraine và yêu cầu không sửa đổi Hiến pháp
Người biểu tình ở Kiev đã chiếm khu vực trước Quốc hội Ukraine
và yêu cầu không sửa đổi Hiến pháp
 
Lệnh ngừng bắn mới - 
Hy vọng và hoài nghi
Tính tới ngày 7/9, các bên tham chiến tại Ukraine đã có một tuần “sóng yên bể lặng”, một dấu hiệu tích cực cho bước ngoặt mới trong cuộc xung đột kéo dài suốt 17 tháng qua, vốn làm xói mòn quan hệ giữa phương Tây và Nga, đồng thời gây không ít xáo trộn tại vùng Đông Âu. 
Tình trạng yên ắng ở tiền tuyến diễn ra trong bối cảnh có thông tin về những xáo trộn trong hàng ngũ cấp cao của quân nổi dậy. Ông Andrei Purgin - Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng – đã bị cách chức một cách bí ẩn vào ngày 4/9 sau khi có thông báo ngắn gọn về việc ông này bị bắt giam. Nhân vật này được coi là một trong những thủ lĩnh phe ly khai phản đối mạnh mẽ nhất nhiều điều khoản của lệnh trừng phạt hiện hành và ủng hộ đề xuất sáp nhập Donetsk vào Nga. 
Trang mạng “liga.net” của Kiev bình luận: “Ông Purgin là một trong những người thúc đẩy sáng kiến tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại Donetsk về việc sáp nhập vào Nga. Điều này hoàn toàn đối lập với các thỏa thuận tại Minsk, và quan trọng hơn cả là với chính những toan tính của riêng Nga”. 
Một số nhà phân tích tin rằng Tổng thống Putin đã từ bỏ ý định ban đầu là sáp nhập Donetsk và Lugansk bởi những chi phí dành cho hai khu vực bị chiến tranh tàn phá này sẽ tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế vốn đang “ốm yếu” của Nga. Alexander Zhuchkovsky – một nhà hoạt động xã hội tại Saint Petersburg ủng hộ quân nổi dậy và đã có nhiều đóng góp cho lực lượng này – cho rằng ông Purgin bị bãi chức vì ông đã phản đối những điểm quan trọng trong Hiệp ước Minsk. 
Một trong những chi tiết này là lời kêu gọi quân nổi dậy trao trả quyền kiểm soát một phần vùng biên giới chung Nga - Ukraine mà họ đang nắm giữ cho chính quyền Kiev vào cuối năm nay. Ông Zhuchkovsky viết trên trang mạng cá nhân: “Tình hình hiện nay cho thấy có thể Moskva sẽ gây sức ép buộc giới lãnh đạo (ly khai) tại Donetsk triển khai đầy đủ thỏa thuận Minsk – kể cả việc từ bỏ quyền kiểm soát biên giới Ukraine”.
Bước tiến hay chỉ là toan tính?
Trên thực tế, từ tháng 9/2014, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn một dự luật về trao quy chế tự quản đặc biệt trong vòng 3 năm cho một số khu vực nhất định ở Donetsk và Lugansk, mở đường cho tiến trình phân cấp chính quyền trên cả nước. 
Tuy nhiên, đến tháng 11, Tổng thống Poroshenko lại bãi bỏ quy chế đặc biệt trên như một cách gây sức ép buộc Lugansk và Donesk phải nhượng bộ trong cuộc bầu cử ở hai tỉnh này ngày 2/11, vốn bị Kiev cho là bất hợp pháp. Đại diện các khu vực miền Đông khi đó đã cực lực phản đối, coi đây là hành động đi ngược lại những thỏa thuận giữa hai bên. 
Đến tháng 3/2015, Tổng thống Ukraine lại ký ban hành đạo luật sửa đổi về quy chế đặc biệt vùng Donbas, theo đó, một số khu vực sẽ được hưởng quy chế tự quản đặc biệt, song kèm theo nhiều điều kiện mới, chẳng hạn như quy chế sẽ chỉ có hiệu lực sau khi các khu vực trên tiến hành bầu cử theo luật pháp Ukraine, đồng thời hai nước CHND tự xưng Lugansk và Donesk được coi là “các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm”. 
Điều này đồng nghĩa với việc không có “quy chế đặc biệt” cho hai khu vực trên, dẫn tới các tỉnh đòi độc lập lên án dự luật sửa đổi “phá vỡ nền hòa bình mong manh và đẩy tình hình tại Donbass tới thế bế tắc”. Từ đó đến nay, vấn đề liên quan tới quy chế đặc biệt cho miền Đông “vẫn dậm chân tại chỗ”. 
Giới lãnh đạo Ukraine xác nhận đã phải thông qua dự luật phân quyền dưới sức ép của các nước phương Tây với hy vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình hòa bình tại đất nước cửa ngõ phía Đông của EU, bất chấp các chính trị gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa coi dự luật này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo báo “Độc lập” của Nga, kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Ukraine có thể là sự khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng chính trị mới trong bối cảnh mâu thuẫn gay gắt giữa các phe phái và liên minh cầm quyền đứng trước nguy cơ tan rã. 
Một dự luật tưởng như có lộ trình lại gây ra dư luận trái chiều trong và ngoài nước. Trong khi Mỹ và phương Tây hoan nghênh, nhiều chính đảng tại Ukraine phản đối về định hướng, còn khu vực đòi độc lập - đối tượng thụ hưởng của dự luật lại phản đối nội dung cụ thể. Câu hỏi đặt ra là liệu dự luật có phù hợp với thỏa thuận Minsk hay mới chỉ là bước đi nửa vời, thiếu thuyết phục. 
Những căng thẳng và tranh cãi liên quan đã khiến Quốc hội Ukraine phải hoãn phiên họp thứ hai về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp này cho tới sau cuộc bầu cử địa phương ngày 25/10 tới. Theo một số nhà phân tích, đây là chiến thuật của Tổng thống Poroshenko nhằm chờ đợi những diễn biến tiếp theo tại Donbass. Nếu trong thời gian tới, các khu vực Donestk và Lugansk tiến hành các cuộc bầu cử riêng thì coi như họ đã tự “đào hố chôn” một phần thỏa thuận Minsk. 
Các nhà phân tích cho rằng sau cuộc “Cách mạng Maidan”, chính quyền mới lẽ ra phải bắt đầu thay đổi, nhưng vẫn đi theo con đường cũ khiến các vấn đề không được giải quyết mà còn tích tụ trong điều kiện mới. Chính quyền hiện nay không dựa vào xã hội mà phục vụ lợi ích nhóm. Vụ đụng độ bên ngoài tòa nhà Quốc hội là bằng chứng cho thấy Ukraine đang đối mặt với nhiều vấn đề lớn không chỉ ở “tiền tuyến” mà cả ở “hậu phương”. Cộng đồng quốc tế lo ngại xung đột có thể tái bùng phát ngay trước khi nhóm Bộ tứ Normandy gồm Ukraine, Nga, Đức và Pháp họp thượng đỉnh vào giữa tháng 9 tới.

Đọc thêm