Dự thảo tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư: E ngại 'bình mới, rượu cũ'

(PLO) - Bộ GD-ĐT, Hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) nhà nước vừa ban hành dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS. 
Nếu cứng nhắc, GS, PGS sẽ chỉ là bổ nhiệm theo… quy trình. Ảnh minh họa
Nếu cứng nhắc, GS, PGS sẽ chỉ là bổ nhiệm theo… quy trình. Ảnh minh họa

Thế nhưng, Dự thảo chưa đáp ứng được đòi hỏi của dư luận, cần phải có những tiêu chuẩn riêng, phù hợp với từng ngành khoa học cụ thể, không thể có một bộ chuẩn chung cho tất cả các ngành. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm góp ý dự thảo quy định tiêu chuẩn chức danh GS, PGS do tạp chí Tia Sáng tổ chức mới đây.

Xét tổng số… vô cảm?

Điểm mới nhất trong quy định mới là yêu cầu các ứng viên GS phải có công bố quốc tế. Cụ thể, đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ (KHTN, KT&CN) phải là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một bằng độc quyền sáng chế.

Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) phải là tác giả chính và đã công bố được ít nhất một bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.

Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất một bài báo khoa học theo quy định tại khoản này. Các ứng viên cũng phải hướng dẫn chính ít nhất 3 nghiên cứu sinh đã có bằng tiến sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng tiến sĩ. Ứng viên phải có tối thiểu 20 điểm công trình khoa học quy đổi trở lên, trong đó có ít nhất 5 điểm thực hiện trong 3 năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ. Ứng viên thuộc nhóm KHTN, KT&CN phải có ít nhất 10 điểm tính từ các bài báo khoa học. Ứng viên thuộc nhóm ngành KHXN&NV phải có ít nhất 8,0 điểm tính từ các bài báo khoa học. Ứng viên thuộc nhóm ngành KHTN, KT&CN phải có ít nhất 4,0 điểm tính từ sách phục vụ đào tạo. Ứng viên thuộc nhóm ngành KHXH&NV phải có ít nhất 6,0 điểm tính từ sách phục vụ đào tạo…

Dự thảo mới vẫn giữ nguyên điều kiện chung để các ứng viên được bổ nhiệm chức danh GS, PGS là đạt ít nhất 2/3 số phiếu tín nhiệm của tổng số thành viên Hội đồng GS cơ sở, Hội đồng GS Nhà nước và ít nhất 3/4 số phiếu tín nhiệm của tổng số thành viên Hội đồng GS ngành, liên ngành tham gia và trực tiếp bỏ phiếu tại phiên họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

Và ở góc độ người trong cuộc, PGS Nguyễn Ngọc Châu - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã đưa hàng loạt nghịch lý về GS, PGS ở Việt Nam. Đó là bổ nhiệm để lấy danh chứ không phải để thực thi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Bổ nhiệm không theo nhu cầu của các cơ sở giáo dục. Ở thế giới, việc bổ nhiệm GS, PGS phụ thuộc vào nhu cầu của các trường, còn Việt Nam thì không cần dựa vào vị trí của cơ sở giáo dục đào tạo. 

Thêm nữa, nhiều GS, PGS được bổ nhiệm nhưng chỉ 30% có thể đạt chuẩn quốc tế. Cũng theo PGS Châu, chỉ ở Việt Nam mới xét GS, PGS bằng tổng những số vô cảm: điểm bài báo + điểm sách + điểm hướng dẫn NCS + số giờ giảng dạy + thâm niên giảng dạy + tỷ lệ phiếu. Tất cả xếp hàng ngang chỉ cần một trong các tiêu chí trên không đủ theo quy định thì không đạt GS, PGS... Bởi nếu áp đúng tiêu chí GS, PGS Việt Nam thì GS Ngô Bảo Châu (giải thưởng Field) chắc chắn cũng không đạt chuẩn GS Việt Nam (vì ông đâu có đủ ít nhất 20 điểm công trình quy đổi, chưa đủ hướng dẫn chính thành công 2 tiến sĩ, chưa có sách cũng chưa đủ thâm niên và số giờ dạy mỗi thâm niên).

Phải thay đổi từ thành viên Hội đồng

Có thể nói, những thay đổi dễ nhận ra nhất ở dự thảo sau tiếp thu ý kiến là tăng chỉ tiêu về số bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus. Tuy nhiên, tiêu chí bài báo quốc tế chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ. “Bởi có những ứng viên có 30 công bố ISI vẫn không được công nhận GS, khi đó là những nghiên cứu không ai quan tâm, đăng trên những tạp chí không ai biết tên” - GS.TS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, Ủy viên Hội đồng Chức danh GS ngành Toán học nhiệm kỳ 2014-2019 thẳng thắn bày tỏ.  

Cũng theo ông Lê Tuấn Hoa, lá phiếu của các thành viên ở nhiều Hội đồng GS ngành và liên ngành dường như chưa tạo được độ tin cậy, còn có dấu hiệu tiêu cực. Thêm nữa, có một thực tế, việc chưa lựa chọn được người đủ trình độ và trách nhiệm để làm nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” ở nhiều Hội đồng GS ngành và liên ngành bấy lâu nay xuất phát từ những tiêu chuẩn lựa chọn hết sức mơ hồ và ở bản dự thảo cập nhật nhất, những tiêu chuẩn đó vẫn chưa được cải thiện.

Theo các nhà khoa học, nếu tình trạng này còn kéo dài thì những người xứng đáng được bổ nhiệm GS, PGS sẽ lâm vào cảnh chưa đạt tiêu chuẩn, trong khi những người không xứng đáng lại được bổ nhiệm “đúng quy trình”.

Các nhà khoa học đề xuất một quy trình tuyển chọn các thành viên Hội đồng GS ngành và liên ngành tường minh như: tiêu chuẩn phải cụ thể, “năng lực của người xét ít nhất cũng phải tương đương người được xét” và lý lịch khoa học của các thành viên hội đồng cũng như các ứng viên đều phải được công khai trên mạng.

Cơ chế làm việc của các hội đồng ngành, liên ngành và Hội đồng GS nhà nước cũng cần được xây dựng một cách cụ thể và chặt chẽ hơn, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, loại trừ khả năng tiêu cực và tránh tình trạng các thành viên hội đồng do thiếu trách nhiệm, hoặc do thiếu hiểu biết về các chuyên ngành hẹp khiến việc xét duyệt hồ sơ ứng viên không mang tính thực chất mà chỉ căn cứ trên những tính toán, cộng trừ điểm quy đổi một cách cứng nhắc vô cảm. 

Bên cạnh các tiêu chuẩn mơ hồ đối với các thành viên hội đồng giáo sư ngành, liên ngành, bản dự thảo còn tồn tại một số tiêu chí mang tính hình thức để phong PGS, GS như viết giáo trình hay hướng dẫn nghiên cứu sinh, dẫn đến ra đời những cuốn sách kém phẩm chất và “lạm phát” trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Trong khi, quốc tế không dùng tiêu chuẩn này để phong PGS,GS.GS Hoàng Xuân Phú cho rằng phải bỏ tiêu chuẩn này, vì đây là quy định lạ đời vừa thiếu tôn trọng người học, vừa góp phần hạ thấp chất lượng đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ (vốn đã quá thấp) ở Việt Nam. Bởi lẽ, một số thầy cô muốn nhanh chóng đạt được tiêu chuẩn về hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học để sớm được phong GS hay PGS nên có thể diễn ra cảnh “vơ bèo vạt tép” để có học trò, nhận hướng dẫn cả loại quá kém rồi viết luận án, luận văn và các bài báo khoa học thay cho học trò...

Đọc thêm