Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp: Cần cân nhắc kỹ vì hàng triệu hộ bị ảnh hưởng

(PLVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh là vấn đề lớn, ảnh hưởng tới khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Do đó, cần đánh giá kỹ tác động, nếu chưa “chín” thì cần cân nhắc kỹ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu

Sáng nay (16/10), tiếp tục Phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Luật này sửa đổi 66 điều, bãi bỏ 2 điều, bổ sung 1 chương và 8 điều (bổ sung chương VIIa về hộ Kinh doanh, bao gồm 5 điều).

Theo ông Dũng, dự thảo luật đã bổ sung chương VIIa về hộ kinh doanh, quy định về nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh.

Theo đó, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh. Cùng với đó, dự luật quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến việc bổ sung hộ kinh doanh (HKD) vào dự thảo luật có ba luồng ý kiến khác nhau.

Một số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Mặt khác, bổ sung các quy định làm rõ các quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh để bảo đảm tính pháp lý của hộ kinh doanh và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, hình thức kinh doanh khác trong nền kinh tế.

Một số ý kiến băn khoăn về việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật do quy định chưa làm rõ các vấn đề về quyền của hộ kinh doanh trong khả năng tiếp cận vốn thuận lợi hơn, hệ thống kế toán đơn giản, thuận tiện.

Có ý kiến khác lại cho rằng về bản chất hộ kinh doanh không khác gì doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ. Đã đến lúc cần xem xét lại khái niệm để tạo điều kiện cho chủ thể này tiếp tục phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại sao người dân kinh doanh không thích sang doanh nghiệp?

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế ủng hộ đề xuất của Chính phủ. Bởi trên thế giới hiện nay chỉ có hai nước có quy định pháp lý về hộ kinh doanh. Do vậy để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp để bảo đảm quản lý việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm... của hộ kinh doanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc đưa hộ kinh doanh vào và cần đánh giá tác động.

Bà Nga cho rằng, khi đưa một chủ thể vào một luật thì phải hết sức cân nhắc, vì luật doanh nghiệp từ trước đến nay điều chỉnh doanh nghiệp, giờ đưa hộ kinh doanh vào.

“Pháp lý của một chủ thể ở nhiều tầng, không nhất thiết phải đưa hẳn vào luật mới đảm bảo một cách đầy đủ tính pháp lý. Một số chủ thể hoạt động theo nghị định, mà nghị định đấy quy định rất rõ, đầy đủ, chi tiết và quá trình tổ chức thực hiện tốt phải cân nhắc” bà Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho rằng, cần cân nhắc kỹ
 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho rằng, cần cân nhắc kỹ

Dẫn báo cáo thẩm tra có đề cập trên thế giới có hai nước quy định tính pháp lý của hộ kinh doanh là Trung Quốc và Việt Nam, bà Nga đặt vấn đề: “Vậy các nước còn lại họ quy định như thế nào và ở văn bản nào, nếu nói quy định chung chung về tính pháp lý thì  tôi nghĩ nước nào chẳng có quy định pháp lý tính chủ thể, chứ không thể nói các nước còn lại hoàn toàn không?”.

“Tôi cho rằng cần đánh giá kỹ, chưa yên tâm đưa vào”, bà Nga đề nghị.

Đồng quan điểm, Tổng thư ký của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp cần phải trả lời câu hỏi: “ Tại sao người dân kinh doanh không thích sang doanh nghiệp?”.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, nếu đưa vào luật thì hàng triệu người dân đang kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh sẽ bỏ bê vì họ không thích sang doanh nghiệp. Bởi 3 lý do: Thứ nhất vấn đề thuế má rất phức tạp, hệ thống quản lý tài chính của hộ kinh doanh không được như doanh nghiệp, không có kế toán. Thứ 2, việc thanh tra thường xuyên họ cũng không mong muốn. Thứ 3, hộ gia đình kinh doanh ít người với mô hình vừa phải gọn, khai thác lợi thế của gia đình. Nếu đưa vào đây hàng tháng báo cáo thì họ không thích vì hộ kinh doanh là doanh nghiệp rồi thì phải theo luật doanh nghiệp.

“Nếu đưa vào đây thì tôi không hiểu hàng triệu hộ kinh doanh tồn tại phát triển như thế nào? Chúng ta cần tính toán kĩ. Nếu ta đưa vào phải đánh giá kĩ và đánh giá tác động. Còn tôi chưa đồng tình lắm vì đánh giá tác động chưa thuyết phục”, ông Phúc nói.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng tới khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, vấn đề này chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ.

“Quan điểm là cái nào rõ, chín, đánh giá tác động được thì chúng ta bổ sung. Tôi đề nghị chỉ sửa những bất cập để tiếp tục phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển doanh nghiệp, chứ không nên đặt ra vấn đề chưa đánh giá tác động”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đọc thêm