Đưa thạc sĩ thất nghiệp đi XKLĐ - chuyện 'đắng lòng' của ngành đào tạo

(PLO) - Những ngày qua, Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2025” đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) xây dựng thu hút được sự chú ý của dư luận, với kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội làm việc tại các thị trường tốt, thu nhập cao cho người lao động, trong đó bao gồm cả giải pháp tình thế đối với hàng trăm ngàn cử nhân đang thất nghiệp.
Ảnh minh họa:  Trần Việt
Ảnh minh họa: Trần Việt

Cử nhân, thạc sĩ phải đào tạo lại mới có cơ hội đi làm việc nước ngoài 

Bộ LĐTB&XH đang giao Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025” để trình Chính phủ. Theo đó, Đề án hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu lao động trình độ cao ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật, Đức; cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử sang Hàn Quốc và hướng đến một số thị trường mới như Slovakia, Czech... 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp, tỷ lệ thất nghiệp ở những lao động có trình độ đại học, cao đẳng tương đối cao. Năm 2016, cả nước có trên 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Do vậy, đây được xem là một trong những giải pháp trước mắt, là hướng đi cho số lao động có trình độ đại học, cao đẳng đang thất nghiệp có cơ hội tham gia các chương trình xuất khẩu lao động, tìm việc làm.

Tuy nhiên, tương tự như lao động phổ thông, vấn đề cần lưu ý đối với lao động trình độ cao là dù đã qua đào tạo đại học, cao đẳng nhưng muốn tham gia vào các chương trình này đều phải được hỗ trợ bồi dưỡng về ngoại ngữ, tay nghề, văn hóa, hoặc đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với thị trường tiếp nhận lao động.

“Mong muốn của Bộ trưởng là tìm hướng giải quyết việc làm cho số lao động qua đào tạo đang thất nghiệp. Bộ sẽ nỗ lực đàm phán với các nước để họ tiếp nhận, song thực sự có phải chất lượng cao như các nước kỳ vọng hay không thì cần đánh giá kỹ lưỡng”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Theo ông Phạm Viết Hương - Phó cục Quản  lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài tăng đều trong 3 năm nay, song các thị trường như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc... ngày càng khắt khe, yêu cầu cao về chất lượng lao động. Người lao động ngoài sức khỏe, tay nghề, còn phải đáp ứng được các kỹ năng khác như ngoại ngữ, ứng xử.

Ông Phạm Viết Hương cho biết, nâng cao chất lượng lao động được xác định là yếu tố then chốt góp phần vào sự phát triển bền vững của hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây cũng là hoạt động trọng tâm được thực hiện trong năm 2017. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thực hiện sát sao việc giám sát các doanh nghiệp trong công tác tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Phải xem xét lại cung – cầu trong đào tạo

Theo bản tin Thị trường lao động, tại thời điểm quý 2/2016 cả nước có tới 1,088 triệu lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, cụ thể có 191.300 người có trình độ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Cũng như lý giải lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, việc “đưa cử nhân, thạc sĩ đi xuất khẩu lao động”, khi họ đáp ứng được yêu cầu của thị trường, cũng chỉ là cách giải quyết “tình thế”. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chúng ta  không nhanh chóng có giải pháp thật sự căn cơ, phải dự báo được nhu cầu của thị trường lao động để đào tạo phù hợp, đào tạo “có địa chỉ” thì mới có thể giải quyết bài toán tận gốc của tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội – cũng cho rằng, điều đáng lưu tâm là đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, tức là “cung đào tạo” phải phù hợp với “cầu sử dụng”; đồng thời phải cơ cấu lại hệ thống cơ sở đào tạo từ đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề gắn với nâng cao chất lượng đào tạo và quan tâm hơn đến phân luồng học sinh ngay từ trung học cơ sở để giải quyết việc làm theo yêu cầu của thị trường.

“Hướng tốt nhất là đào tạo theo đơn đặt hàng của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất; tăng cường hình thức đào tạo, kèm cặp ngay tại doanh nghiệp để sử dụng tại chỗ, tránh lãng phí ngân sách nhà nước, xã hội và người lao động”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói. 

Đọc thêm