Đưa Việt Nam thành quốc gia làm giàu từ biển

(PLO) - Đó là kỳ vọng của ngành tài nguyên và môi trường với Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vừa được Chủ tịch nước công bố cùng 11 luật và nghị quyết (được thông qua tại Kỳ họp 9 của Quốc hội khóa XIII) và Pháp lệnh về Cảnh sát Môi trường.
Ông Chu Phạm Ngọc Hiển
Ông Chu Phạm Ngọc Hiển
Trao đổi với PLVN về đạo luật này, ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên môi trường biển và hải đảo; đồng thời cũng mở ra một bước ngoặt mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này”.
“Cưỡi sóng gió” để hình thành
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vừa được thông qua với số phiếu đồng ý đạt cao, 91,5% cho thấy quá trình chuẩn bị để cho ra đời đạo luật liên quan đến tài nguyên, lãnh thổ đất nước này đã được tiến hành rất chu đáo, phải vậy không, thưa ông?
- Đây là một sự kiện có ý nghĩa pháp lý đặc biệt quan trọng không chỉ đối với ngành tài nguyên và môi trường mà còn biểu thị quyết tâm chính trị của đất nước ta sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển nên đương nhiên quá trình chuẩn bị xây dựng đạo luật này được Bộ Tài nguyên và Môi trường  tiến hành công phu, bài bản.
Ngay sau khi Đảng ta ban hành Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 09-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 09/2/2007), từ cuối năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng một văn bản luật quy định về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. 
Cùng với việc xây dựng, trình Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ để thực hiện công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo thì Bộ cũng đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06/3/2009).
Song song với việc triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn rất mới mẻ ở Việt Nam, Bộ chỉ đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẩn trương tập trung nguồn lực, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo, chuẩn bị kỹ các điều kiện tiền đề cần thiết về cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Sau thời gian xây dựng nghiêm túc, công phu, với rất nhiều hội thảo khoa học và khảo sát thực tiễn, qua không ít “sóng gió”, Dự án Luật đã nhận được sự đồng thuận từ các Bộ, ngành, địa phương và đã được Chính phủ  thảo luận, thống nhất thông qua, trình Quốc hội xem xét, thông qua và ban hành.
Luật đã được xây dựng trong một thời gian khá dài vì có nhiều ý kiến cho rằng xây dựng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo “sẽ chồng chéo, khó thực thi”.  Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đây là một dự án luật khó, nội dung phức tạp, lần đầu tiên “luật hóa” quy định về phương thức quản lý mới trên biển là “Quản lý tổng hợp”. Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là phương thức quản lý theo phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực. 
Nội dung của Luật đã bám sát mục tiêu ban hành Luật là để quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo trên các vùng biển của nước ta bằng phương thức quản lý tổng hợp.
Do vậy, Luật được xây dựng theo hướng chỉ tập trung quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp, không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể nên không chồng chéo với các luật chuyên ngành mà cùng với các luật chuyên ngành tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Qua sự giải trình, thuyết phục đã cho thấy, đây là phương thức quản lý tiên tiến, hiệu quả, cần thiết phải sớm được luật hóa, đưa vào triển khai thực hiện để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững.
Chính vì vậy, Luật đã được sự đồng thuận của các Bộ, ngành để trình Chính phủ nhất trí trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua với sự tán thành cao.
Đột phá trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo
Ông  kỳ vọng như thế nào khi Luật được triển khai thi hành?
- Trên cơ sở tham khảo, chắt lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được xây dựng tập trung quy định cụ thể về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo. 
Những nội dung, vấn đề quan trọng của quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo được quy định trong Luật là: Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phân vùng rủi ro ô nhiễm biển và hải đảo; quản lý tài nguyên hải đảo; hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp, thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...
Thực thi phương thức quản lý tổng hợp, tài nguyên biển và hải đảo sẽ được quản lý thống nhất theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia tích cực và hiệu quả trong quá trình quản lý.
Trong thời gian tới, triển khai thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vào cuộc sống sẽ giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực trong thời gian qua; giúp cho việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo; tạo bước đột phá trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.
Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe!
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 10 chương, 81 điều với phạm vi điều chỉnh là quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan và cá nhân trong quản lý tổng hợp.
Nội dung cơ bản của Luật tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc các nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển…
Đặc biệt, trong đó có nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật nước ta như: bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, sử dụng tài nguyên; quản lý tổng hợp phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái…

Đọc thêm