Đừng để người dân nghĩ bầu ĐB đến QH để... cãi nhau

(PLO) - Khi góp ý về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), nhiều ĐBQH cho rằng cần phải đề cao tính tranh luận trong phiên họp. Nhưng cũng có ĐB cho rằng, nếu để các ĐB thoải mái tranh luận, liệu cử tri có suy nghĩ “Chúng tôi không bầu ĐB đến QH để cãi nhau”?.
ĐB Nguyễn Anh Sơn phát biểu góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
ĐB Nguyễn Anh Sơn phát biểu góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
Với mong muốn phải tranh luận đến cùng những quan điểm không thống nhất, ĐB Trần Du lịch (Tp Hồ Chí Minh) cho rằng có như vậy thì khi bấm nút thông qua các quyết định quan trọng, ĐB mới cảm thấy thoải mái. Với thực trạng hiện nay, các ĐB hầu như chỉ đưa được ý kiến thảo luận của mình, và không có thời gian để tranh luận lại những ý kiến, quan điểm khác. 
“Chúng tôi không được đối thoại với ban soạn thảo. Chỉ được nghe giải trình. Giải trình rồi mà không đồng ý cũng không có cơ hội để làm rõ. Nhiều  vấn đề không muốn bấm nút cũng phải bấm nút.” – ĐB nói trước hội trường.
ĐB Trần Du Lịch, cho biết, ông tham gia QB từ Khóa 9. Ở những kỳ họp đầu tiên, khi ĐB muốn phát biểu, sẽ giơ bảng lên: “Tùy theo tần suất, mức độ nhanh nhạy của việc giơ bảng mà chủ tọa phiên tòa sẽ biết được mức độ khẩn thiết của ĐB mà gọi phát biểu. Chứ bây giờ, muốn phát biểu phải xếp hàng, muốn tranh luận cũng không nói được ngay lúc đó” 
Theo ĐB, nếu với cách “xếp hàng” để chờ được phát biểu như hiện nay, sẽ khiến các ĐB không có cơ hội để tranh luận. Mà thực tế, nhiều khi nghe người này nói, người kia nới, với những ý kiến đa chiều, mới nảy ra được đâu là vấn đề chủ chốt. 
“Không nên hành chính hóa kiểu phát biểu 7 phút, 3 phút, và xếp hàng như thế này. Không biểu quyết thì thiếu trách nhiệm. Nhưng biểu quyết mà không đồng tình hoàn toàn là có lỗi với dân. Vẫn biết là phải kết luận theo đa số, nhưng để đa số có chất lượng thì sự tranh luận phải đến cùng.” – ĐB Trần Du lịch nói.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng đề nghị cần tăng tính tranh luận trong phiên họp QH. Theo ông, để có thể tranh luận, cần thiết kế những nút “nóng” để các ĐB có thể tranh luận ngay ý kiến trước đó, chứ không phải chờ đến hết lượt các ý kiến khác rồi mới quay lại tranh luận. 
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Anh Sơn lưu ý khi đã phát biểu quan điểm tranh luận thì các ĐB không được “nhân đây” để lợi dụng thời gian tranh luận, đưa quan điểm của mình về một vấn đề khác.
Cũng theo đại biểu tỉnh Nam Định, tăng tính tranh luận, cũng là cách để các ĐB thể hiện những quan điểm riêng của mình, xóa dần thực tế nhiều ĐB có quan điểm giống nhau, được phát biểu lặp lại trên diễn đàn. 
“Khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, cử tri bảo “các bác ĐB phát biểu hay lắm. Giống như chúng em xem ca nhạc, các ca sỹ hát cùng một bài. Chúng em xem lúc rồi tắt TV” – ĐB nói. ĐB tỉnh Nam Định nhận định: “Thực tế, ít ai dám dũng cảm rút bài phát biểu của mình khi thấy giống lời phát biểu của ĐB trước đó. Được nói trước diễn đàn là một cơ hội, được thể hiện hình ảnh, nên đã đăng ký là phải nói. Điều đó khiến nhiều điều lặp lại.”
ĐB Phùng Văn Hùng ủng hộ chủ trương phải chuyển sang QH tranh luận. Theo ĐB, để làm được việc này, cần thiết kế lại đăng ký phát biểu qua điện tử. “Tôi có anh em làm tin học, họ bảo làm được. Đảm bảo một vấn đề nảy sinh ra, có thể tranh luận được ngay".
Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) lại không đồng tình với việc tạo cơ hội tối đa cho việc tranh luận trước nghị trường. Bởi theo quan điểm của ông, “QH của chúng ta không đa đảng, các ĐB ngang quyền. Chất lượng mỗi lời phát biểu của ĐB có giá trị ngang nhau, và ĐBQH phải tự chịu trách nhiệm về lời phát biểu của mình trước cử tri.” – ĐB nêu một lý do cho việc không cần thiết phải “tranh luận đến cùng” giữa các quan điểm của ĐBQH.
Thêm lý do nữa ông nêu ra là bộ máy giúp việc hiện nay chưa đủ để phục vụ việc tranh luận tại chỗ của ĐB trong phiên họp. Thời gian của một kỳ họp, một phiên họp cũng không thể để các ĐB được tranh luận thoải mái. Và đặc biệt: "Nếu cứ tranh luận kéo dài, cử tri sẽ hỏi Chúng tôi bầu anh ra để cãi nhau à?”
Từ quan điểm của mình, ĐB tỉnh Thái Nguyên đề nghị: Cần dành thời gian tranh luận một cách có mức độ. Hướng thứ 2 là “QH thiết kế những không gian riêng để ai muốn tranh luận thì đến đó tranh luận.”
Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đồng quan điểm với ý kiến của ĐB Đỗ Mạnh Hùng. Theo bà ý kiến của từng ĐB là hết sức tế nhị thể hiện quyền, chính kiến của ĐBQH. Khi phát biểu theo cách như hiện nay, các ĐB cũng đã thể hiện được quan điểm của mình về ý kiến của một đại biểu nào đó, bằng những câu nói như các ĐB vẫn thường dùng: “tôi đồng tình/ không đồng tình với ĐB…” 
“Tôi thống nhất quan điểm của Hùng về sự tôn  trọng ý kiến của các ĐB, tôn trọng hình ảnh ĐBQH trước cử tri", ĐB Thủy nói. 
Cũng trong phiên họp bàn về Nghị quyết Nội quy kỳ họp QH, ĐB Phùng Văn Hùng, ĐB Quyết Tâm đưa ý kiến cần tăng cường thời lượng truyền hình trực tiếp phiên họp QH. Đây là việc làm rất cần thiết. Nhất là khi chúng ta đã có kênh truyền hình QH. 
“Trừ những chương trình có bí mật quốc gia. Còn các phiên thảo luận khác, cần truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Làm như vậy người dân thông tin kịp thời, và cũng có thể giám sát hoạt động các ĐB mình đã bầu ra”, ĐB Phùng Văn Hùng nói.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) không đồng tính với việc “ĐBQH “nghe” hát quốc ca. “Tại sao QH không tự hát quốc ca, mà lại là nghe hát?. Tôi thấy các cháu đi xem đá bóng, hát Quốc ca rất hào sảng, cảm xúc dâng trào. Tại sao các ĐBQH lại không hát quốc ca? Cần phải thực hiện ngay tại phiên bế mạc kỳ họp này. QH cần phải hát quốc ca!” – ĐB nói một cách mạnh mẽ.. 
Còn ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cho rằng không cần quy định việc hát quốc ca vào Nghị quyết nội quy kỳ họp QH.  “Bởi ở bất cứ nơi nào, đứng dưới lá quốc kỳ, nhạc quốc ca nổi lên là chúng ta phải hát quốc ca. Đó là nhiệm vụ của công dân”, ông khẳng định.

Đọc thêm