“Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong thời hội nhập

(PLO) - Năm vừa qua, lần đầu tiên sau nhiều năm Bộ Giao thông Vận tải đã nối liền tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, kỳ vọng có thể chia lửa cho giao thông đường bộ, vừa giảm giá cước cho doanh nghiệp. 
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam bên thềm năm mới, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật cho biết:
Ông Nguyễn Nhật – Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam
Ông Nguyễn Nhật –
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam 
- Để thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện, đồng thời thực hiện các giải pháp tăng cường kết nối các phương thức nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ, Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) đã tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 3733/QĐ-BGTVT ngày 03/10/2014 về công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận. 
Tuyến vận tải ven biển này sẽ kết nối với 02 tuyến vận tải đã được công bố trước đó (tuyến từ Quảng Ninh đến Quảng Bình tại Quyết định 2495/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2014 và tuyến từ Kiên Giang đến Bình Thuận tại Quyết định số 3365/QĐ-BGTVT ngày 05/9/2014), chính thức cho phép các tàu cấp VR-SB được phép hoạt động cách bờ và nơi trú ẩn không quá 12 hải lý, phù hợp cho việc vận chuyển đối với chặng có cự ly 400-500 km và phát triển kết nối các phương thức vận tải giữa bến cảng thủy nội địa, cảng biển.
Kết quả đến nay số tàu SB đang hoạt động đã tăng nhanh chóng, với 400 tàu SB, hiện 270 tàu đang hoạt động (trọng tải từ 500 đến 5.000 tấn trong đó có 2 tàu container) trên các tuyến ven biển và hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục thẩm định hồ sơ. 
Tính đến hết tháng 12/2014, tổng số hàng hóa thông qua cảng biển do tàu VR-SB chuyên chở trên tuyến Quảng Ninh -Thừa Thiên Huế là gần 700 ngìn tấn (tương đương với gần 23.000 lượt ô tô) với tổng số lượt tàu ra vào bến, cảng biển là gần 500 lượt ra vào các cảng thuộc khu vực cảng biển do cảng vụ hàng hải quản lý và cảng đường thủy nội địa.
Tuyến từ Quảng Bình - Bình Thuận và từ Bình Thuận - Kiên Giang mới hoạt động được 1 tháng nhưng số lượng hàng hóa vận chuyển chưa nhiều nhưng đã góp phần thiết thực trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, góp phần giảm tải cho đường bộ tai khu vực miền Nam và miền Trung.
Về hiệu quả kinh tế, thứ nhất đã vận chuyển được khối lượng hàng hoá lớn với cự ly vận chuyển xa dưới 500km với đa dạng loại hàng hoá: hàng rời, container, hàng bao kiện; nâng cao hiệu quả khai thác các tàu SB và tàu biển hoạt động trên tuyến ven biển (472 tàu hạn chế 3) và hoạt động của các cảng biển.
Thứ hai, giảm tải cho đường bộ, giảm tai nạn giao thông; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ nguồn thu phí, lệ phí; cước phí vận chuyển thấp, chỉ bằng khoảng ¼ đến 1/5 so với cước phí vận chuyển bằng đường bộ; Tận dụng được năng lực đội tàu vận tải thủy nội địa (hiện nay đang dư thừa). Phát triển đội tàu ven biển góp phần cơ cấu lại đội tàu, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Trong thời gian tới, Cục HHVN tiếp tục phối hợp với Cục Đường thủy nội địa, Cục Đăng kiểm và các cơ quan liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao năng lực vận tải trên các tuyến ven biển, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. 
- Cuối năm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực hàng hải giai đoạn đến năm 2020, trong đó đặt mục tiêu phát triển mạnh vận tải biển, tạo sự cân đối giữa vận tải biển và các phương thức vận tải khác. Tới đây, Cục Hàng hải sẽ có những giải pháp cụ thể nào để thực hiện mục tiêu này thưa ông?
- Như ta đã biết, vận tải biển là một lĩnh vực mũi nhọn của ngành Hàng hải nói riêng và toàn ngành Giao thông Vận tải, cho đến cả nền kinh tế Việt Nam nói chung bởi vì ngành này tạo ra khối lượng công ăn việc làm rất lớn, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực nước nhà, không những thế còn là một ngành xuất khẩu không hao tốn nhiều tài nguyên nhưng lại mang về nhiều ngoại tệ cho đất nước. 
Vận tải biển hiện giữ vị trí quan trọng nhất trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta, chiếm trên 90% lượng hàng vận chuyển. Trong khi đó, đội tàu biển Việt Nam hiện nay mới chỉ chiếm lĩnh được khoảng 20% thị phần vận tải trên thị trường vận tải biển Việt Nam, còn lại là thị phần của các hãng tàu nước ngoài. 
Ngành vận tải biển nói chung và đội tàu biển nói riêng đang gặp khá nhiều khó khăn và hoạt động không tương xứng với vai trò, vị trí của mình.
Bên cạnh đó, để vận tải biển có thể phát triển được một cách toàn diện, khai thác được tối đa các lợi ích và năng lực, không thể bỏ qua lĩnh vực dịch vụ Logistics, được ví như chất kết nối và bôi trơn không thể thiếu trong toàn bộ các lĩnh vực của ngành GTVT nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. 
Chính vì vậy, Nhà nước cần phải có nhiều giải pháp để tái cơ cấu phát triển lĩnh vực kinh tế này, trong đó giải pháp huy động vốn để đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng được một đội tàu vận tải biển mạnh, đủ sức cạnh tranh với đội tàu của các hãng nước ngoài đang là vấn đề rất cần thiết, cấp bách của ngành vận tải biển Việt Nam hiện nay. .
Ngày 25/12/2014, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 4928/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án tái cơ cấu lĩnh vực hàng hải giai đoạn đến 2020, trong đó tập trung triển khai các giải pháp phát triển vận tải biển với một số nội dung: 
Xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dùng (tàu container, hàng lỏng..) và tàu trọng tải lớn. Mục tiêu đến năm 2020, tổng trọng tải đội tàu là 6,8 - 7,5 triệu DWT, trong đó tàu chở hàng khô là 4,72 - 5,21 triệu DWT, tàu chở hàng lỏng là 1,44 - 1,58 triệu DWT, tàu chở container là 0,68 - 0,72 triệu DWT. 
Từng bước trẻ hoá đội tàu biển Việt Nam đến năm 2020 đạt độ tuổi bình quân 12 năm; nghiên cứu, đề xuất chính sách cơ cấu lại đội ngũ chủ tàu Việt Nam, bảo đảm nguồn lực tài chính đầu tư đội tàu quy mô, hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường vận tải trong nước và quốc tế; Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ nhằm nâng dần thị phần vận chuyển hàng xuất nhập khẩu bằng đường biển của đội tàu biển Việt Nam. 
Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu, cho vay tín dụng ưu đãi trong mua hoặc đóng mới tàu biển; xây dựng chính sách cho vay ưu đãi trong đầu tư tàu chuyên dùng trọng tải lớn, hiện đại; Chính sách về thuế trong mua bán tàu biển; Chính sách miễn giảm thuế thu nhập đối với thuyền viên. Tiến hành khảo sát, thống kê, tổng hợp nhu cầu và xây dựng phương án công bố tuyến vận tải ven biển khu vực miền Trung và miền Nam; bảo đảm chia sẻ và giảm tải cho giao thông đường bộ. Nghiên cứu, khảo sát mở các tuyến vận tải hành khách ven biển tới các đảo và giữa các đảo bằng tàu biển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và khai thác đội tàu.
- Phương châm hành động mới của ngành Giao thông là: “Phát huy truyền thống, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, tuy nhiên trong các cuộc đối thoại gần đây với lãnh đạo Bộ Giao thông, doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển vẫn than phiền nhiều về vấn đề hạ tầng thủ tục hành chính. Liệu trong năm mới 2015, doanh nghiệp có thể hài lòng hơn không? 
- Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải thông qua các biện pháp sau:
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thống nhất nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính, bao gồm việc giảm thời gian; giảm, bãi bỏ hoặc thay thế các loại giấy tờ phải nộp trong hồ sơ; gộp, bãi bỏ các thủ tục hành chính; triển khai sử dụng chữ ký số cho lãnh đạo cơ quan Cục và các đơn vị trực thuộc trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phần mềm dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 đối với 15 thủ tục về nhóm cấp chứng chỉ thuyền viên;
Đồng thời tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thiện Quy chế vận hành Cổng thông tin điện tử quốc gia, thúc đẩy việc sớm đưa Cổng thông tin điện tử quốc gia vào sử dụng và kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại khu vực, bảo đảm thực hiện "một cửa điện tử" trong giải quyết thủ tục cho tàu thuyền tại cảng biển.
Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm