“Em hóa đá vì chồng, con hóa đá vì ai?”

(PLO) - ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phương) đã khiến Hội trường Diên Hồng như lặng đi, khi nói đến những đứa trẻ bị chính bố mẹ mình tước đoạt quyền được sống, những đứa trẻ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, khi góp ý về Dự Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)
Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII
Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII

Mở đầu lời phát biểu, ĐB Điểu Huỳnh Sang đã liệt kê những con số nhức nhối về vấn nạn trẻ em bị tước đoạt quyền được sống, số liệu trẻ em bị bạo hành. Bà cho biết: Theo thống kê của Tổng cục thống kê và Tổ chức y tế thế giới (WHO) có 58% phụ nữ bị bạo hành trong gia đình, 68,4% trẻ em (11-14 tuổi) phải chịu ít nhất 1 hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong gia đình. Vấn nạn này đã và đang  ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ em

Cũng theo nhận định của ĐB Điểu Huỳnh Sang, nhiều bố mẹ cho rằng trẻ em cần được giáo dục bằng các hình phạt về thể xác. Đây là một thực tế đáng báo động và cần phải ngăn chặn trong Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Nhẹ nhàng hơn, ĐB đề cập đến tình trạng cha mẹ mải làm mà giao phó  việc chăm sóc, giáo dục con cho người giúp việc, để trẻ em lớn lên trong sự cô đơn, không ít trẻ bị sang chấn tâm lý vì thiếu tình cảm, sự chăm sóc của bố mẹ. Dẫn tích truyện người đàn bà hóa đá chờ chồng, ĐB Điểu Huỳnh Sang bày tỏ sự lo lắng về những đứa trẻ “hóa đá tuổi thơ” vì chính những người thân của mình.

“Một người phụ nữ hội tụ đầy đủ những đức tính tốt đẹp như vậy nhưng cũng đã để lại đời sau những câu hỏi còn bỏ ngỏ “em hóa đá vì chồng, con hóa đá vì ai”. Thực tế xã hội hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều trường hợp cha mẹ, người thân trong gia đình, người khác lại đem quyền sống của trẻ em làm công cụ phục vụ lợi ích, mục đích riêng của mình nên nhiều trường hợp trẻ em bị tước đoạt quyền sống rất đau lòng và gây bức xúc lớn cho xã hội”, bà nói.

ĐB đề nghị bổ sung hành vi: Cấm cha mẹ, người thân, người khác tước đoạt quyền được sống của  trẻ em, bổ sung trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh, đảm bảo sự hát triển hài hòa của trẻ.

“Trẻ em là tương lai, chúng ta quan tâm đến trẻ em là quan tâm đến tương lai. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta chưa có sự đầu tư thích đáng cho trẻ em. Chúng ta rất đầu tư chăm sóc, giáo dục,nhưng không quan tâm đến quyền giải trí, vui chơi của trẻ em. Trẻ em miền núi thì vui chơi bên nương rẫy, trẻ em thành phố thì ngoài giờ ăn ngủ học, hầu như thời gian còn lại chỉ tiếp cận các thiết bị điện tử, phần lớn các hoạt động tổ chức ở nơi công cộng là dành cho người lớn.

Các thiết chế văn hóa cho trẻ em chỉ được đầu tư ở cấp tỉnh, cấp huyện, số trẻ em đến các địa điểm này rất ít, thậm chí có nhà thiếu nhi cấp huyện cũng chỉ có số ít trẻ em có năng khiếu sinh hoạt.”

Từ những nhận xét của mình, ĐB bày tỏ sự đồng tình cao với việc xây dựng các điểm vui chơi, giải trí văn hóa, văn nghệ, TDTT cho trẻ en ở cơ sở. Tuy nhiên theo bà, quy định như dự thảo Luật sẽ tăng gánh nặng cho địa phương trong việc tổ chức thực hiện, đặc biệt ở cấp xã và các khu dân cư về việc đảm bảo điều kiện là không khả thi.

Bà đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ trách nhiệm, điều kiện bảo đảm các thiết chế văn hóa, các hoạt động dành cho trẻ em ở cơ sở.

ĐB Điểu Huỳnh Sang cũng cho rằng quyền và bổn phận trẻ em chưa cụ thể hóa quyền của trẻ em trong hiến pháp, quy định nguyên tắc chung chung, dẫn đến tính khả thi không cao, bổn phận chưa tương thích quyền, chưa thể hiện hết bổn phận của trẻ em, khẩu hiệu mang tính phong trào.

Bà cũng cho rằng quy định chặt chẽ quyền thì cần cụ thể hóa trách nhiệm của trẻ em cho phù hợp.

Cũng trong buổi thảo luận về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhiều ĐB đã góp ý về các nội dung còn nhiều quan điểm trái chiều, như quy định về độ tuổi trẻ em, về tên gọi của Luật, về sự công bằng trong hưởng thụ sự hỗ trợ của Nhà nước đối với trẻ em bậc học mầm non, về bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính...

Đọc thêm