EVN thất hứa, chính quyền xã phải làm việc... dưới gầm nhà

(PLO) - Gần 2 năm nay, hơn 20 cán bộ của UBND xã Tà Hừa (Than Uyên, Lai Châu) phải làm việc dưới gầm nhà sàn, không một bóng điện...
Ông Lò Văn Thân - Bí thư Đảng ủy xã Tà Hừa cho biết, kể từ tháng 6/2012, toàn bộ chính quyền, cơ quan, đoàn thể địa phương gồm: Đảng ủy, HĐND, UBND, trạm y tế, trường học..., phải sống trong tình trạng tạm bợ, gặp vô vàn khó khăn, thậm chí nhiều khi phải dùng cả nến để thắp sáng...
Chính quyền xã Tà Hừa gặp nhiều khó khăn khi phải làm việc trong cảnh tạm bợ
Chính quyền xã Tà Hừa gặp nhiều khó khăn
khi phải làm việc trong cảnh tạm bợ 
Trước mắt chúng tôi là một gầm sàn xập xệ, là “trụ sở” làm việc của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy, lãnh đạo HĐND, UBND. Một gầm sàn khác là “trụ sở” làm việc của 5 đoàn thể xã, công an và xã đội trưởng. Một gầm sàn nữa dành cho trạm y tế… 
Đối với bà con người dân tộc thiểu số tại Lai Châu, gầm nhà sàn thường chỉ là nơi nuôi, nhốt gà, lợn, cất trữ cuốc, cày, gỗ, củi... Cho nên tại Tà Hừa, khó ai chấp nhận được khi khoảng không gian này lại dùng làm trụ sở xã và dùng để làm cả nơi khám chữa bệnh cho người dân. 
Còn trường học cũng mới được xây dựng và chỉ đáp ứng được 60% số chỗ cho học sinh, các em còn lại thì đang phải học nhờ tại nhà của người dân. Vì những thiếu thốn này nên tại Tà Hừa đã xảy ra nhiều chuyện dở khóc, dở cười. Đã có trường hợp xã có hội nghị quan trọng nhưng đúng ngày đó nhà chủ lại có ma chay, thế là hội nghị đành giải tán. 
Cũng vì mượn gầm sàn nhà của một người dân ở bản Cắp Na 1 làm nơi khám chữa bệnh nên hơn một năm nay, trạm y tế bất đắc dĩ của địa phương không có một bệnh nhân nội trú nào, cũng không có lấy một ca sinh đẻ vì theo phong tục người Thái, phụ nữ có bầu sẽ không khám, không đẻ ở nhà thuê. Bà con rất kiêng kị điều này, nên đã có trường hợp đẻ rơi, hay tự đẻ ở nhà.
Theo lãnh đạo địa phương, nguyên nhân khiến hơn 2.000 nhân khẩu trong xã cũng như chính quyền, đoàn thể ở đây phải sống trong cảnh tạm bợ như vậy là do di dời, giải phóng mặt bằng “nhường” đất cho dự án Nhà máy Thủy điện Bản Chát, công suất 220MW. 
“Trước đó, cơ sở trường, trạm của xã khá hoàn thiện. Trước khi di dời, chính quyền nhận được lời hứa “chắc như đinh” từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có một cơ sở mới khang trang, hoàn thiện hơn. Nhưng đến nay vẫn là con số 0 tròn trĩnh” - Bí thư Lò Văn Thân bức xúc.
Giải thích thực trạng này, về phía chủ đầu tư, ông Đặng Việt Thắng - Phó trưởng Ban Quản lý Dự án thủy điện I   cho rằng, hiện nhà máy đã đi vào vận hành, còn đời sống người dân gặp khó khăn, trụ sở chính quyền xã chưa có là do công tác di dời, giải phóng mặt bằng, mà trách nhiệm chính thuộc về phía  chính quyền tỉnh Lai Châu. 
Về phía tỉnh, ông Lê Xuân Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu hứa sẽ hoàn thiện hạ tầng Tà Hừa “trong thời gian sớm nhất”, tuy nhiên lại cho rằng nguyên nhân chính vẫn là “do EVN khó khăn về tài chính, chưa thể bố trí nguồn vốn”. 
Vì vậy, cũng chưa biết đến bao giờ cán bộ và người dân nơi đây hết khổ.

Đọc thêm