Gặp lại người “xuất quỷ nhập thần” giữa lòng Sài Gòn

(PLO) - Đại tá Nguyễn Văn Tàu từng là thủ trưởng của đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, chính ủy đặc công biệt động tham gia giải phóng Sài Gòn. Người chiến sĩ quân báo ngang dọc trên các chiến trường miền Đông và rừng Sác, một xạ súng ngắn thuận cả hai tay, còn là cụm trưởng tình báo quân sự “xuất quỷ nhập thần”.  
Mặt trận âm thầm
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu thường được gọi với cái tên thân thuộc “Tư Cang”, nay đã 87 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, quắc thước. Ông sinh năm 1928, tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Xuất thân trong gia đình nghèo khó nên từ nhỏ, cậu bé Tư Cang đã chịu khó làm việc để có tiền phụ mẹ, lại học giỏi, nói tiếng Pháp giỏi nhất làng. 
Sau những năm học trường làng, Tư Cang thi vào trường Petrus Ký, ngôi trường danh giá bậc nhất Sài Gòn thời đó. 
Ông thi đậu, đứng thứ 5 khiến nhiều người bất ngờ. Quyết chí phải đạt học bổng, cậu bé cặm cụi học ngày đêm, trở thành thủ khoa trường. Những năm tháng này đã cho ông vốn liếng quý báu trong nghề tình báo sau này. 
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang).
 Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang).
Sống trong cảnh đất nước loạn lạc, bom đạn khắp nơi, thời kháng chiến chống Pháp, chàng trai cùng những người trong làng đã vót tầm vông cướp chính quyền thị xã Bà Rịa. 
Sau đó không lâu, ông được cấp trên điều vào ngành tình báo, đến năm 1950 được đưa vào chiến khu Đ (một căn cứ quân sự miền Đông Nam Bộ) học khóa bổ túc cán bộ trung đội trưởng. Học xong, ông được điều về làm chỉ huy phó quân báo tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn. 
Vị Đại tá vẫn nhớ như in những kỉ niệm khi tham gia đấu tranh chống Pháp: “Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Thời điểm này, tôi thay mặt cho bộ đội rừng Sác vào đồn Lý Nhơn thương lượng tay ba với lực lượng của thực dân Pháp. 
Lúc đó chưa ai biết hiệp định cụ thể như thế nào. Trước khi đi, Bí thư huyện ủy dặn tôi: “Nếu giặc có bắn thì vẫn cứ oai phong đi tới. Chiến sỹ rừng Sác không được chạy lui, giặc bắn thì chấp nhận hy sinh”. 
Sau sự kiện này, ông cùng đồng đội tập kết ra Bắc. Nhưng trái tim vẫn luôn đau đáu về mảnh đất ruột thịt. Ông luôn tự nhủ sẽ có ngày trở về miền Nam tiếp tục chiến đấu. Ông tập luyện những kỹ thuật tình báo, tập lái mô tô, chụp tráng rửa ảnh. Tư Cang được phong là xạ thủ súng ngắn của sư đoàn với tài bắn hai tay.  
Năm 1961, ước nguyện trở về miền Nam của ông thành sự thật. Ông có tên trong danh sách đơn vị đi đầu về miền Nam. Đường về gian nguy, cực khổ, 100 ngày đi bộ băng rừng Trường Sơn bên nước bạn Lào.
Con đường bí mật nhỏ quanh co, dốc đứng trơn trượt, rừng rậm đầy muỗi vắt. Hành quân tới đâu, người đi sau phải khéo léo ngụy trang xóa hết dấu vết, địch không biết, dân không thấy.
Những ngày mới về chiến khu Đ, Tư Cang được giao tiếp nhận mạng lưới tình báo Phạm Xuân Ẩn, thay cho người chỉ huy trước đang ốm nặng. Địa điểm cụm H63 đóng tại rừng chồi Bến Đình (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, Sài Gòn - Gia Định) có nhiệm vụ quan trọng là võ trang, liên lạc chỉ đạo, lấy tin tức trong nội thành đưa về Trung ương nghiên cứu chiến lược tác chiến. 
Ông với tư cách là chỉ huy phụ trách bộ phận võ trang gồm 20 người, chỉ huy chống càn, dạy bộ đội về chiến thuật, kỹ thuật quân sự, cử giao liên lên Sài Gòn nhận thông tin.  
Xạ thủ hai tay hai súng
Trận Mậu Thân 1968, lực lượng tình báo cũng được trang bị vũ khí tham gia tấn công. Tư Cang là xạ thủ súng ngắn, được giao hai khẩu súng. Tối mùng Một Tết, quân ta tấn công vào Dinh Độc Lập nhưng bị quân VNCH đẩy lui ra xa.
Thời khắc này, Tư Cang đang trú tại một cơ sở cách mạng, thấy đồng đội bị vây hãm trong khi súng hết đạn, ông liều mình nhảy ra chi viện, hai tay hai súng bắn hạ hai tên chỉ huy quân đối phương. 
Quân địch hoang mang, tập hợp lùng sục khắp ngõ ngách tìm cho được người bắn hai phát súng bí ẩn. Địch tìm đến ngôi nhà nơi ông đang ẩn náu, lục tung hết đồ đạc, uy hiếp chủ nhà, rất may người chủ đã khéo léo đánh lạc hướng dụ quân Sài Gòn đi nơi khác. 
Ông thổ lộ: “Lúc đó tôi vẫn đang đứng núp trên lầu, trong đầu đã nảy ra suy nghĩ để dành cho mình một viên đạn. Nếu bị chúng phát hiện, tôi sẽ tự kết liễu đời mình để giữ được lòng trung với nước”. 
Suốt 13 năm gồng mình trong tuyến lửa, mở đường máu vận chuyển thông tin thông suốt từ nội đô Sài Gòn ra chiến khu, ông Tư Cang cùng các đồng đội đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi 30/4/1975. 
Ông nhận định: “Mạng lưới tình báo làm việc không tốt thì khó có thể thắng được trước sự tối tân, vũ khí hiện đại của kẻ địch. Chỉ cần mất cảnh giác, xa rời nguyên tắc bí mật là rất dễ bị bắt”.
Sau giải phóng, ông thường đến thăm những nơi ghi dấu kỉ niệm chiến trận, những người dân đã ủng hộ Cách mạng, viết hồi ký về những ngày tháng khốc liệt, đặc biệt đề cao sự hi sinh âm thầm của dân. 
Ông bùi ngùi: “Như mẹ Nguyễn Thị Ly ở Củ Chi, con trai mẹ phụ trách đội giao thông vũ trang của cụm H63, tại xã Phú Hòa Đông. Giặc bắn anh bị thương, mang về pốt lấy dùi cui nung đỏ xoáy vào vết thương tra khảo. 
Địch bắt mẹ Ly lên pốt để thuyết phục con. Dù đau xé lòng khi thấy con bị banh da xẻ thịt, người mẹ ấy vẫn kín đáo dặn dò con không được bội phản. Sau ngày toàn thắng, người mẹ có bốn người con là liệt sĩ ấy đã được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Chính trong gia đình ông cũng có sự hi sinh âm thầm của những người phụ nữ. Mẹ ông đã nuốt nước mắt vào lòng khi em ông hy sinh. Vợ ông sống cùng trong một thành phố nhưng không thể gặp mặt chồng vì sợ bị phát hiện. 
Ông nhớ mãi ánh mắt đau đáu, nghẹn ngào của vợ khi bắt gặp ông nhưng không được nhận là chồng mình. Sau ngày chiến thắng, ông không màng danh lợi, chọn một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản bên người vợ để bù đắp những thiệt thòi của bà suốt thời tuổi trẻ./.

Đọc thêm